Bài 2: Áp lực lớn với chính quyền

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 08/09/2016

(HNM) - Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%, trong đó khu vực nông thôn còn dưới 1,5%; khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn dưới 1,8%. Đặc biệt, trong năm 2016, thành phố đặt mục tiêu giảm nghèo 1,3%, tương đương với giảm 27.000 hộ nghèo.

Hộ nghèo ở xã Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức) đến Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn phát triển sản xuất.Ảnh: Việt Linh


Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi việc triển khai còn nhiều trở ngại và khó khăn như hiện tại thì mục tiêu này là một áp lực lớn cho các cấp chính quyền.

Khó trăm bề

Trong 6 tháng đầu năm 2016, TP Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp giảm nghèo theo từng tiêu chí cụ thể như chính sách cho vay vốn; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí cho học sinh thuộc hộ nghèo... Thành phố cũng đã hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo với mức 49.000 đồng/tháng theo quy định của trung ương với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng. Đối với hỗ trợ nhà ở, hiện Sở Xây dựng đang trình UBND thành phố phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở năm 2016 và những năm tiếp theo.

Sở LĐ, TB&XH cũng đã phối hợp với Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam triển khai hỗ trợ xây sửa 148 nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, tính đến tháng 8, thành phố đã hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số và truyền hình cáp cho 55.110 hộ nghèo đạt 88,8%. Sở LĐ, TB&XH cũng đã phối hợp với Viettel Hà Nội tặng 2.000 điện thoại di động cho hộ nghèo ở các xã vùng dân tộc, miền núi, giúp các hộ nghèo tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

Tuy vậy, việc triển khai giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Ba Vì có 7 xã miền núi, với đông đồng bào dân tộc sinh sống. Vừa qua, hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số... Tuy nhiên, đối với xã Ba Vì, do các công trình hạ tầng đấu nối cáp chưa hoàn thiện nên người dân vẫn chưa bắt được sóng truyền hình. Từ nay đến cuối năm, huyện Ba Vì được giao hỗ trợ, giảm nghèo cho 3.000 hộ, với một huyện miền núi khó khăn như Ba Vì thì đây thực là áp lực lớn cho huyện. Trong khi đó, tại huyện Chương Mỹ, Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Nguyễn Đình Nghĩa phản ánh: Quá trình cho vay vốn, một số hộ nghèo và cận nghèo chưa biết làm kinh tế nên đến kỳ hạn không thanh toán được vốn vay, nguy cơ nợ khó đòi tăng cao.

Tại huyện Mê Linh, qua rà soát chuẩn nghèo mới, huyện có 2.926 hộ nghèo, chiếm 5,96%. Năm 2016, thành phố giao chỉ tiêu giảm 1.000 hộ nghèo. Ngoài các chính sách chung, huyện đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn nhận lao động là hộ nghèo vào làm việc. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần lao động trình độ cao, trong khi phần lớn lao động nông thôn chỉ qua đào tạo nghề sơ cấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Có nên hạ chỉ tiêu?

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, nghị quyết Đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Với số hộ nghèo 6,54% như hiện nay thì mỗi năm, huyện phải giảm tương ứng 1% hộ nghèo. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu thành phố giao giảm 2.000 hộ trong năm 2016 sẽ tương ứng với giảm 3,5% tổng số hộ nghèo. Ông Dân cho rằng, chỉ tiêu này quá cao, do đó huyện đề xuất với thành phố giảm chỉ tiêu xuống 700 hộ tương ứng 1,5%, các năm tiếp theo cũng chỉ giảm 1% là phù hợp. Tương tự, huyện Thạch Thất, quận Long Biên cũng có báo cáo bằng văn bản đề nghị thành phố cho hạ chỉ tiêu giảm nghèo giao cho địa phương.

Ở góc nhìn khác là xây dựng nông thôn mới (NTM), áp theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 5,6%, tăng 4,1% so với năm 2015 (trong khi đó, căn cứ vào hướng dẫn chấm điểm NTM, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% mới đạt). Đối chiếu với Hướng dẫn chấm điểm NTM của thành phố, Hà Nội có 218/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo, giảm 109 xã so với năm 2015 (trong đó có 32 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM đến 2015). Nhiều địa phương kiến nghị nên tách riêng những hộ “nghèo vĩnh viễn” do mất sức lao động, người già neo đơn... bởi những đối tượng này gần như không thể giảm nghèo được. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên tính những trường hợp nghèo do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản để tập trung hỗ trợ thoát nghèo... nếu không sẽ rất khó đạt dưới 3% theo tiêu chí NTM.

Thực tế, hỗ trợ, tương trợ, giúp đỡ người nghèo là một việc làm hết sức khó khăn bởi nguyên nhân dẫn đến nghèo rất đa dạng. Ngoài các đối tượng “nghèo vĩnh viễn”, các đối tượng khác cũng rất khó có thể đầu năm nghèo cuối năm thoát nghèo mà cần có thời gian và có sự trợ giúp đủ sức để vượt qua. Tại hội nghị về giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý thừa nhận: Chỉ tiêu thành phố giao về giảm nghèo cho các quận, huyện, thị xã là khá cao, lại thực hiện trong một thời gian ngắn (do tháng 5 mới ban hành được chuẩn nghèo).

Nếu các địa phương không quan tâm và đặt quyết tâm cao sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, “Tinh thần của thành phố là không hạ chỉ tiêu giảm nghèo đã giao cho các quận, huyện, thị xã. Các địa phương phải cố gắng hết sức để đạt mục tiêu cao nhất” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết.

(Còn nữa)

Nguyễn Mai - Bạch Thanh