Doanh nghiệp kêu bởi phí BHXH cao

Đời sống - Ngày đăng : 23:25, 08/09/2016

(HNMO) - Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện nay tỷ lệ đóng BHXH lên tới 24% (gồm 18% BHXH, 3% đóng BHYT, 1% BHTN và 2% phí công đoàn) quá cao. Tỷ lệ này cao nhất trong khu vực ASEAN, gây khó khăn cho doanh nghiệp VN.

Vấn đề này các doanh nghiệp đã nói khá nhiều tại các buổi gặp gỡ giữa Bộ LĐ-TB-XH với doanh nghiệp nhất là khi pháp luật quy định từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm: mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động được ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ). Và họ xem đây là một trong những vướng mắc cần sửa đổi trong pháp luật liên quan đến lao động.

Thực tế, khi chưa thể sửa đổi luật thì các doanh nghiệp buộc phải tìm cách “lách” để giảm thiểu phần nào khoản đóng chi phí BHXH phát sinh, nghĩa là làm sao không tăng giá thành sản phẩm. Tất nhiên, DN không thể tự cắt giảm toàn bộ phụ cấp lương đã trả cho người lao động (NLĐ) như trước đây được mà phải nhìn vào người lao động. Bởi theo quy định của Bộ luật Lao động, doanh nghiệp phải thỏa thuận với NLĐ để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ trước khi cắt giảm phụ cấp lương và không một NLĐ nào lại đồng ý bị mất tiền như vậy.

Còn về mặt quản lý nhân sự, nếu không đảm bảo thu nhập của NLĐ tăng lên theo thời gian mà chỉ tìm cách cắt giảm các khoản khác ngoài tiền lương, doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ không giữ được NLĐ lâu dài. Tình trạng mất NLĐ với số lượng lớn và thường xuyên trong các doanh nghiệp sản xuất sẽ gây ra khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc vận hành nhà máy và đảm bảo tiến độ, chất lượng đơn hàng.

Hai cách mà các doanh nghiệp thường dùng để "lách" là chuyển các khoản phụ cấp lương hiện tại thành tiền thưởng, ghi giảm mức lương theo HĐLĐ và trả tiền lương làm thêm giờ bù đắp hoặc là sử dụng hỗn hợp theo hai kiểu trên. Nhưng dù làm cách này hay cách kia thì cũng luôn luôn đặt doanh nghiệp vào thế khó khi bị thanh, kiểm tra một cách bài bản.

Lúc đó doanh nghiệp có thể bị xem là chưa tuân thủ quy định của pháp luật, thậm chí việc tách tiền lương làm thêm giờ để tránh nộp BHXH sẽ làm giảm số thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ và có thể bị xem đây là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Từ việc áp dụng cách “lách” như vậy có thể dẫn đến những hậu quả khiến doanh nghiệp phải mất mát có khi lớn hơn nhiều lần so với số tiền doanh nghiệp đã không đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ.

Và đây chính là rào cản mà các doanh nghiệp mong muốn được gỡ bỏ. Tại các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đại diện các doanh nghiệp đều kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động phải theo hướng làm thế nào để doanh nghiệp vừa thuận lợi trong quản lý, vừa đảm bảo doanh nghiệp phát triển, từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động. Đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam đưa ra đề nghị: “Luật nên nới rộng thời gian làm thêm, tính lại tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bởi tỷ lệ đóng và mức đóng hiện nay rất cao, doanh nghiệp không thể chịu nổi”.

Đồng tình với ý kiến đó, ông Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cũng cho hay một số quy định trong Bộ luật Lao động đang là rào cản, làm giảm sức cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. DN kiến nghị những chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, làm thêm giờ cần được xây dựng trên mục tiêu nuôi dưỡng để các DN khỏe mạnh, khi đó họ mới có thể tăng lương bền vững cho người lao động.

Hơn nữa, theo lộ trình, Việt Nam sẽ được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Khi đó, mọi quyền lợi của người lao động nên để phía DN và người lao động tự thỏa thuận với nhau dựa trên sự hài hòa lợi ích đôi bên. Để gỡ rào cản này, một đề xuất khác cho rằng cần tính đóng BHXH dựa trên cơ sở đầu ra, tức là theo tiền lương thực tế của người lao động mới là chính xác nhất. Do đó nếu đóng trên lương thực tế của người lao động thì cần phải giảm tỉ lệ đóng.

Nhận xét về việc đóng bảo hiểm xã hội, đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng những ý kiến của của các doanh nghiệp có phần hợp lý, song dưới góc độ người lao động, người nghỉ hưu thì đó là bài toán cần phải tính. Việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp là đúng nhưng cần có lộ trình hợp lý để bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bảo hiểm tiến tới phải hình thành tài khoản cá nhân để người lao động biết rõ mình đóng và sẽ được hưởng bao nhiêu...

Minh Bắc