Không quyết liệt còn mất an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 09/09/2016

(HNM) - Vừa qua, hàng loạt nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP Hồ Chí Minh bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhưng tình trạng này vẫn diễn ra triền miên bởi mức phạt hành chính chưa đủ sức răn đe... Để tạo chuyển biến trong công tác này, cần sự vào cuộc quyết liệt


Tràn lan vi phạm

Theo báo cáo mới đây của Chi cục ATVSTP (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), riêng trong tháng 7, chỉ qua kiểm tra định kỳ, lực lượng chức năng phát hiện gần 60% (18/31) nhà hàng, quán ăn vi phạm ATVSTP. Nếu tính từ đầu năm đến nay, các nhà hàng, quán ăn luôn chiếm hơn 50% tổng số các cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP tại thành phố.

Khó lường hết hậu quả nếu chất lượng thực phẩm tại nhà hàng, quán ăn không được kiểm soát chặt chẽ.



Những vi phạm do ngành chức năng phát hiện chủ yếu xoay quanh giấy tờ chứng nhận và phương tiện làm việc như: Không để riêng thực phẩm sống và thức ăn chín, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng nhân viên thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn từ lâu.

Tuy nhiên vấn đề đáng ngại nhất là chất lượng thực phẩm trong các nhà hàng, quán ăn có độc hại hay không thì cơ quan chức năng cũng gặp khó trong quá trình kiểm tra. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, sau khi lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra, phải nhiều ngày sau mới có kết quả, khi đó thì thực phẩm đã được nhà hàng, quán ăn bán hết. Nhiều cơ sở còn bỏ qua việc lưu mẫu thức ăn 24 giờ theo quy định, nên nếu xảy ra sự cố cũng không có mẫu để kiểm nghiệm. Đó là chưa nói đến thực phẩm bẩn vẫn hằng ngày, hằng giờ được đưa vào nhà hàng, quán ăn mà cơ quan quản lý không thể ngăn chặn. Theo bà Đặng Thị Tuyết, Phó phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh), số vụ bắt giữ thực phẩm bẩn đang trên đường vào nhà hàng, quán ăn thời gian qua chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.

Cần mạnh tay hơn

Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia về an toàn thực phẩm (Hiệp hội Thực phẩm minh bạch) cho rằng, không có ai mang cả tạ thịt bốc mùi hôi thối ra chợ bán, nó chỉ có thể vào những nơi mà không ai có thể biết thực phẩm được chế biến ra sao. Và chỉ cần một vài thủ thuật nhỏ bằng hóa chất hay gia vị thì thực khách không thể phân biệt được món ăn trên bàn là sạch hay "bẩn". Thế nên, nhà hàng, quán ăn là nơi lý tưởng để thực phẩm "bẩn" len lỏi.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, các biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu là xử phạt hành chính, phạt tiền. Biện pháp xử lý nặng nhất hiện nay là tước giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 1 đến 3 tháng nếu tái phạm.

Theo nhiều chuyên gia, với biện pháp và mức xử phạt hành chính như hiện nay, sẽ rất khó ngăn chặn hành vi tuồn thực phẩm "bẩn" vào nhà hàng, quán ăn. Luật sư Trịnh Bá Thân (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, căn cứ vào quy định về ATVSTP (có hiệu lực từ ngày 1-7), người sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn sẽ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm, nếu làm chết người, tái phạm nhiều lần,… thì khung hình phạt sẽ mở rộng lên đến 20 năm tù, phạt tiền lên tới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại TP Hồ Chí Minh, vẫn chưa có trường hợp bị xử án tù. Và như vậy, khó chặn được từ gốc...

Tiến Thành