Giữ "lửa" nghệ thuật cải lương Nam Bộ: Thách thức lớn!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 09/09/2016

(HNM) - Sân khấu cải lương chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh chẳng mấy khi


Sân khấu ít, giá vé cao

TP Hồ Chí Minh từng được xem là “thủ phủ” của cải lương Nam Bộ. Nơi đây tập trung các rạp biểu diễn cải lương lớn như: Hưng Đạo, Thủ Đô, Quốc Thanh, Thanh Bình. Thế nhưng, cùng với thời gian, nghệ thuật cải lương ngày càng bị mai một. Việc bảo tồn nghệ thuật cải lương Nam Bộ trở nên khó khăn vì nghệ sĩ cải lương không có rạp để biểu diễn. Trước thực trạng này, từ năm 2010, UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý cho Sở Văn hóa - Thể thao làm chủ đầu tư xây dựng Nhà hát Trần Hữu Trang để bảo tồn nghệ thuật đặc biệt này. Công trình tọa lạc tại 136 Trần Hưng Đạo, quận 1, với tổng vốn đầu tư 132 tỷ đồng, được kỳ vọng góp phần hồi sinh nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, hoàn tất từ năm 2014 nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Nguyên nhân theo cơ quan chức năng là do nhiều bất hợp lý trong thiết kế, sai phạm trong thi công dẫn đến diện tích sân khấu cải lương bị bó hẹp không thể tổ chức biểu diễn.

Một tiết mục cải lương do nghệ sĩ nhí biểu diễn.



Thiếu sân khấu biểu diễn, các nghệ sĩ cải lương phải biểu diễn tại các sân khấu cải lương nhỏ hẹp, thiếu sức hấp dẫn nhưng giá vé khá cao. Điển hình là sân khấu tọa lạc tại tầng 11 khách sạn Oscar nằm tại 68 - Nguyễn Huệ, quận 1. Để được vào xem cải lương khán giả phải trả 300.000-500.000 đồng. Được thiết kế với 200 ghế ngồi, nhưng lượng khán giả đến rạp chưa lấp đầy nửa số ghế, và mỗi tháng rạp chỉ hoạt động 2 đêm. Theo ông Nguyễn Văn Sáu - một khán giả mê cải lương: “Người xem cải lương vẫn có thể chấp nhận giá vé cao, nhưng vấn đề là hầu hết các vở đều dựng lại các vở diễn lẫy lừng cách đây 20-30 năm trước nên thiếu sức hút. Khán giả đến rạp xem cải lương chủ yếu là một số người lớn tuổi với mong muốn ôn lại kỷ niệm một thời. Họ cũng chỉ đến rạp vài lần mà không thường xuyên”. Giới trẻ - đối tượng có nhu cầu dịch vụ giải trí cao - lại đang bị cuốn vào các phương tiện nghe nhìn với mức giá bình dân. Để xem bộ phim bom tấn của thế giới, khán giả Việt chỉ cần bỏ ra trên dưới 100.000 đồng. Mặt khác, mỗi tháng TP Hồ Chí Minh có hàng chục sự kiện âm nhạc phát vé miễn phí do các công ty, nhãn hàng tài trợ nên phần đông khán giả thích thú với thưởng thức âm nhạc miễn phí. Và thế là, chẳng mấy ai bỏ tiền đến rạp hát, nhất là rạp cải lương.

Mai một nghề may trang phục cải lương


Trang phục cải lương là một trong 3 yếu tố gây dựng nên nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm Anh - Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh và Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Sang - Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có khoảng 50 nghệ nhân may trang phục cải lương tập trung ở quận 1, quận 5, quận 4 và quận Bình Thạnh. Trong đó có nhiều tên tuổi gia tộc lớn như: Gia tộc Huỳnh Long, gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ, Thành Tôn. Tiếc là cũng giống như nghệ sĩ cải lương, nghề làm trang phục cải lương cũng đang bị mai một, do áp lực kinh tế buộc các đạo diễn phải cắt giảm chi phí trang phục. Đáng nói, gần đây trang phục một số vở diễn cải lương lấy đề tài từ lịch sử dân tộc như: Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh... lại giống trang phục của diễn viên phim ảnh Hồng Kông, Đài Loan. Hiện tượng này không chỉ gây phản cảm, mà còn làm sai lệch nhận thức của người xem.

Tuy nhiên, đến nay các nghệ sĩ may trang phục cải lương vẫn chưa thể góp tiếng nói vào việc chấn chỉnh thiết kế trang phục bảo đảm tính dân tộc với nhiều lý do. Nguyên nhân trước tiên là nghề may trang phục cải lương chưa được công nhận là nghề truyền thống, do đó chưa có sự kết nối, thống nhất hay quy chuẩn chung. Cũng vì chưa được công nhận nên chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa được áp dụng đối với nghề làm trang phục cải lương ở TP Hồ Chí Minh. Các nghệ nhân lớn tuổi phải làm thêm các nghề khác để mưu sinh. Đây cũng là một cản trở không nhỏ, ảnh hưởng đến việc bảo tồn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta.

Tuệ Diễm