Bài cuối: Tăng cường các giải pháp hỗ trợ

Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 09/09/2016

(HNM) - Trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nghèo, ngoài các đối tượng “nghèo vĩnh viễn” thuộc diện đặc biệt phải trợ cấp như già neo đơn, ốm đau bệnh tật nặng, tàn tật... còn nhóm đối tượng nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất cần được đặc biệt quan tâm, tăng cường hỗ trợ để họ vươn lên thoát nghèo.



Xác định rõ nguyên nhân nghèo

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng cuối năm Sở tập trung vào các nhóm giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quyết tâm giảm nghèo của thành phố; tuyên truyền về các mô hình, cách làm hay trong sản xuất và nêu gương các gia đình vượt khó thoát nghèo; đẩy mạnh triển khai nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tăng thu nhập và nhóm chính sách hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ tiền điện... cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, hộ nghèo vùng dân tộc miền núi được hỗ trợ trực tiếp mua sắm nguyên vật liệu, vật tư phục vụ đời sống và sản xuất. Đối với các quận, huyện, thị xã cần tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ công tác rà soát hộ nghèo cuối năm 2016 để đánh giá kết quả giảm nghèo của các địa phương.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành đánh giá, việc triển khai các giải pháp giảm nghèo của các quận, huyện, thị xã chưa thực sự đồng đều. Có địa phương rất quyết liệt, đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng cũng có địa phương chưa rõ giải pháp. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo mới cho hiệu quả.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho rằng: Cần xác định rõ hoàn cảnh và nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách của trung ương và thành phố, huyện tập trung chủ yếu vào giúp hộ nghèo sinh kế, như cho vay ưu đãi phát triển sản xuất, chăn nuôi... Tương tự, tại Chương Mỹ, huyện đã tập trung chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay đối với các hộ nghèo với dư nợ 260 tỷ đồng để chăn nuôi, trồng trọt. UBND huyện đã trích 500 triệu đồng để bổ sung vào nguồn vốn của ngân hàng cho vay. Tại huyện Quốc Oai, để giúp các hộ giảm nghèo bền vững, huyện đã tập trung rà soát, phân loại đối tượng nghèo và xác định rõ nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của từng hộ để từ đó có chính sách hỗ trợ đúng, trúng. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp với chính quyền các xã xuống từng hộ để giúp người nghèo bàn cách thoát nghèo và sử dụng kinh phí hỗ trợ hiệu quả. Đây chính là giải pháp quan trọng để giúp người nghèo có điều kiện vươn lên.

Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ

Để từng bước tiến tới chỉ tiêu giảm nghèo mà thành phố giao, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần có nhiều chính sách hỗ trợ để giúp các địa phương đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, huyện có 4.900 hộ nghèo, kế hoạch thành phố giao giảm 1.150 hộ, tuy nhiên riêng xã An Phú, một xã miền núi được đánh giá là đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 38,4% tương đương 710 hộ nghèo. Để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiến nghị, thành phố nên tiếp tục hỗ trợ đầu tư cả về sản xuất lẫn hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa... theo Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 30-11-2012 của UBND TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015 đối với các hộ nghèo thuộc các xã miền núi, trong đó có xã An Phú.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa thông tin, toàn huyện Ứng Hòa mới có 25% dân số được sử dụng nước sạch, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của thành phố. Vì thế, huyện đã kiến nghị thành phố xây dựng các trạm nước sạch đáp ứng cho nhân dân trong huyện nói chung và hộ nghèo nói riêng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền là việc làm quan trọng hàng đầu, trong đó hệ thống loa truyền thanh huyện, xã rất hiệu quả, tuy nhiên trên địa bàn huyện, hệ thống loa truyền thanh xuống cấp trầm trọng, nhiều nơi chỉ có một nửa xã nghe được loa truyền thanh nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị thành phố giới thiệu cho huyện kết nghĩa với các quận để giúp đỡ huyện trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị này.

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì Hoàng Thị Hạnh, với kết quả đánh giá hộ nghèo mới đây, ngoài các đối tượng “nghèo vĩnh viễn”, nhóm đối tượng nghèo do thiếu vốn, thiếu đất đai sản xuất cần chuyển đổi nghề nghiệp thì số vốn cần vay lên tới trên 100 tỷ đồng. Đây thực sự là một thách thức với đơn vị vì nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào cấp trên. Do đó, nguồn vốn xã hội hóa trong công tác xóa đói giảm nghèo đang thực sự có giá trị đối với người nghèo. Thời gian qua, Ngân hàng bò của Công ty cổ phần Ao Vua cho vay với số vốn đã đạt trên 4 tỷ đồng, hỗ trợ bò cho nhiều đối tượng khó khăn có kế sinh nhai, góp phần giảm áp lực giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo cho Nhà nước.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Chương trình 02 của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhận định: Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó, Sở LĐ-TB&XH phải phối hợp với các địa phương căn cứ vào tiêu chí hỗ trợ giảm nghèo, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các sở, ngành phải xây dựng kế hoạch giảm nghèo, đồng thời đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp giảm nghèo. Và theo khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, các quận, huyện cũng cần trích thêm ngân sách hỗ trợ để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Mai - Bạch Thanh