Đầu tư vào nông nghiệp: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 09/09/2016
Làm thế nào để thay đổi thực trạng DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này, hướng tháo gỡ ra sao là vấn đề được quan tâm tại Diễn đàn “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8-9.
Tái cơ cấu sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, bảo đảm cuộc sống của người lao động và nông dân. |
Đầu tư gặp nhiều trở ngại
Theo Bộ NN&PTNT, một nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến không thể lấy kinh tế hộ gia đình làm hạt nhân mà phải lấy hợp tác xã (HTX), DN làm xương sống. Tuy nhiên thời gian qua, phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún. DN và HTX đều chậm phát triển, sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp. Thực tế cho thấy, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% (với 3.844 DN) trong tổng số DN được điều tra. Đến năm 2015, số DN nông nghiệp tiếp tục giảm xuống chỉ còn 3.640 DN. Trong khi đó, quy mô của các DN nông, lâm, thủy sản chủ yếu là nhỏ và vừa, chiếm hơn 96,5%, trong đó có khoảng 50% DN có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động).
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa TH True Milk cho biết: Chăn nuôi bò sữa trong nông hộ quy mô 5-7 con thì chất lượng sữa sẽ không đảm bảo mà phải sản xuất tập trung quy mô lớn mới cho hiệu quả. Tuy nhiên, DN muốn đầu tư vào nông nghiệp cần phải có đất để xây dựng chuồng trại, lắp đặt máy móc... nhưng việc thuê đất sản xuất rất phức tạp. Đó là chưa kể đến quá trình cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh cùng lĩnh vực. Đó là việc DN nhập sữa bột về pha thành sữa nước để giá thành thấp hơn và quảng cáo nhập nhèm là sữa tươi làm ảnh hưởng đến uy tín của các DN làm ăn nghiêm túc. Do vậy cả DN và người tiêu dùng đều rất cần sự can thiệp của Nhà nước trong khâu minh bạch chất lượng sản phẩm. Muốn giải quyết được các bất cập trên, Nhà nước cần xây dựng chiến lược quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn phản ánh: Nông dân được giao đất, tuy nhiên nhiều hộ không muốn làm ruộng nhưng lại không muốn cho DN thuê mà để hoang. Trong khi đó, DN muốn có diện tích khoảng 100ha phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua đất làm dự án, trong khi nguồn vốn không dư dả nên khó có điều kiện mở rộng sản xuất.
Tháo gỡ về chính sách
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng: Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do sự thiếu vắng DN với vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm nông sản. Mặc dù chính sách chung tạo hành lang pháp lý cho DN phát triển đã có nhưng còn nhiều bất cập. Hơn nữa, kinh doanh nông nghiệp vốn khó thu lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn dài, lại đối mặt với nhiều rủi ro nên khó tạo sức hút lớn với DN. Để thực sự kéo các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần có bước đột phá, trước hết là đột phá trong thủ tục tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách ưu đãi khác.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần triển khai các giải pháp như: Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, nhất là các DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và các DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. "Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các nghị quyết của Chính phủ; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho DN và người dân" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, các cấp, các ngành cần loại bỏ tư duy xin - cho. Nhà nước cần hỗ trợ DN bằng cơ chế, chính sách, đồng thời hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật như điện, đường giao thông và hệ thống kênh mương thủy lợi, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành Nông nghiệp, các cấp, các ngành cần rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi dẫn tới tình trạng trên, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm giúp DN nông nghiệp phát triển để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhà nước cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các DN nông nghiệp chủ động vươn lên, nhanh chóng khắc phục những yếu kém, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Được biết, những ý tưởng, sáng kiến, đề xuất có giá trị tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp để báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương nhằm kịp thời tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là hai chính sách cốt lõi, gồm: Tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Không tái cơ cấu sẽ thua trên "sân nhà" Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức. Một là: Sản xuất nhỏ lẻ nên khó đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hai là: Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, vượt xa dự báo khiến việc sản xuất kinh doanh của DN đối mặt với nhiều khó khăn bởi mức độ rủi ro lớn. Ba là: Hội nhập kinh tế quốc tế trong nông nghiệp là cơ hội mở rộng thị trường, tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ, nếu không tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là ở những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm thì nông nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên "sân nhà". |