Xây dựng chính quyền phục vụ: Trách nhiệm và thân thiện ngay từ cơ sở
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 10/09/2016
Hà Nội tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ ngay từ cấp xã, phường. Ảnh: Viết Thành |
“Một cửa” tốt dần lên
Chị Đặng Mỹ Hoa, cán bộ "một cửa" phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) đúc rút: "Công việc nhiều, áp lực thì lớn, lại thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc trực tiếp cho người dân nên đòi hỏi cán bộ phải vững về chuyên môn, giỏi về giao tiếp, ứng xử, nhẫn nại, chịu khó và nhiệt tình, tận tụy với công việc, với người dân". Đây cũng là lý do vì sao các xã, phường, thị trấn thời gian qua đều chú ý lựa chọn những cán bộ có năng lực, trách nhiệm và đạo đức làm ở "một cửa". Nếu 6 năm trước đây, hầu hết các địa phương đều sử dụng cán bộ hợp đồng và công chức kiêm nhiệm (chiếm 69,1%), thì nay mỗi xã, phường, thị trấn đều bố trí 2 cán bộ chuyên trách “một cửa” thuộc biên chế Văn phòng - Thống kê hoặc Tư pháp; giảm đáng kể số cán bộ hợp đồng. Số cán bộ có trình độ đại học ngày càng tăng. Đơn cử như, cán bộ "một cửa" 15 xã, phường của thị xã Sơn Tây hầu hết có trình độ đại học, trong biên chế, trách nhiệm với công việc. Vì vậy, 514/514 trường hợp đến giao dịch được khảo sát đều bày tỏ sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ của bộ phận này ở Sơn Tây.
Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận "một cửa" cũng được các xã, phường, thị trấn quan tâm thường xuyên đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức (CBCC). Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của toàn thành phố là 98,43%, trong đó UBND cấp xã đạt 99,69%.
Đặc biệt, từ khi Hà Nội chính thức vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại 168 phường thuộc 12 quận (từ ngày 10-8-2016), sự hài lòng của người dân về tinh thần phục vụ của cán bộ tăng lên rất nhiều. Chị Ngô Thị Nhung, cán bộ "một cửa" phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Để giúp người dân thực hiện các thao tác trên mạng, chúng tôi phải hướng dẫn cụ thể cho đến khi công dân thực hiện thuần thục. Sau thời gian bỡ ngỡ, người dân rất ủng hộ cách làm này".
Tăng kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm
Bên cạnh những chuyển động tích cực, phải thừa nhận, ở bộ phận “một cửa” cấp xã vẫn còn một số CBCC yếu về năng lực chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ. Những vụ việc mà Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố phát hiện, chỉ rõ thời gian qua là minh chứng, như việc: CBCC phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) có thiếu sót, vi phạm trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân; CBCC phường Thượng Cát, phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) không bố trí người trực tại bộ phận “một cửa” (sáng thứ bảy ngày 2-7-2016). Mới đây (ngày 7-9), Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố kiểm tra đột xuất tại UBND xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) cũng phát hiện thời gian nhận hồ sơ hành chính đã bị “bớt” 1 tiếng so với quy định; cán bộ không sử dụng được phần mềm tư pháp, khiến người dân không làm được thủ tục khai sinh. Trên thực tế cũng đã có CBCC không hoàn thành nhiệm vụ ở bộ phận "một cửa" bị chuyển sang làm việc khác.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) Hà Minh Thuấn cho rằng: “Chất lượng đội ngũ CBCC chưa đồng đều, nhất là năng lực phát hiện những vướng mắc, tham mưu và đề xuất biện pháp giải quyết”. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao phản ánh, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn được giao đảm nhiệm 18 nhiệm vụ, trong đó nhiều việc mới, việc khó, nhưng lực lượng hiện còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều.
Xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, giải quyết công việc cho dân nhiều nhất và trực tiếp tiếp xúc với người dân hằng ngày, nhưng cũng đồng thời là cấp còn hạn chế về năng lực, chuyên môn, sự quan tâm, chính sách, đãi ngộ... Trước những bất cập này, đã có nhiều giải pháp được triển khai như: Luân chuyển cán bộ sau một thời gian làm ở bộ phận “một cửa”; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp; thực hiện chế độ phụ cấp... Hà Nội hiện đang áp dụng chế độ bồi dưỡng 0,6 lần mức lương tối thiểu đối với công chức làm tại “một cửa” cấp xã. Ngoài ra, một số đơn vị đã tiết kiệm chi thường xuyên hỗ trợ thêm cho bộ phận này.
Nhận xét về giải quyết thủ tục ở cấp phường, ông Trần Văn Thành (phường Định Công, quận Hoàng Mai) nói: “Việc đến phường làm TTHC giờ đây rất thuận tiện. Nếu thủ tục nào mình không nắm rõ sẽ được cán bộ hướng dẫn một lần là làm được ngay, không phải đi lại nhiều lần như trước. Mới đây, tôi cũng được cán bộ hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, chỉ vài thao tác là hoàn tất việc nộp hồ sơ”.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn. Vì vậy, các địa phương kiến nghị, cần nghiên cứu, xem xét cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng lao động đối với một số chức danh ở xã, phường, thị trấn. Trong khi chờ có các chủ trương mới, giải pháp trước mắt quan trọng là các địa phương cần thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Nếu CBCC nào cũng thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp, nghiêm túc thực hiện công việc được giao… thì chắc chắn, mức độ hài lòng của người dân đối với đội ngũ CBCC nói chung, bộ phận “một cửa” nói riêng sẽ ngày càng cao hơn.
Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đặt chỉ tiêu: Đến cuối năm 2016, tất cả các cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc; đến năm 2017, cung cấp, trang bị đầy đủ cho CBCC cấp xã máy vi tính, hòm thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ; đến năm 2018, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết TTHC đạt trên 80%… |