Người dân sẽ tham gia giám sát
Đời sống - Ngày đăng : 08:09, 10/09/2016
Chỉ thị khẳng định sự quyết tâm chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ, bộ máy công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp, nhằm góp phần nâng cao năng lực điều hành của cơ quan hành chính, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong thực thi nhiệm vụ. Báo Hànộimới ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả với tinh thần đồng tình và sẵn sàng tham gia giám sát.
Anh Ngô Mạnh Doanh (phường Phú La, quận Hà Đông):
Ngăn chặn tình trạng "cửa quyền", thiếu trách nhiệm
Tôi thấy rất đồng tình với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan hành chính nhà nước. Rõ ràng, bản thân mỗi người dân cần thể hiện quyền giám sát cán bộ cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình giải quyết công việc. Nếu thấy bất cập, cần gặp và phản ánh trực tiếp với lãnh đạo cơ quan hành chính đó. Vấn đề đáng quan tâm là lãnh đạo các cơ quan hành chính cũng phải thể hiện trách nhiệm, nghiêm túc, lắng nghe ý kiến của công dân, xử lý vi phạm nếu có, sát sao chỉ đạo giải quyết công việc thì sẽ không xảy ra tình trạng cán bộ “cửa quyền”, thiếu trách nhiệm, gây khó khăn cho công dân.
Chị Dương Thị Tâm (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ):
Xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm
Điều mà tôi quan tâm nhất trong Chỉ thị số 26/CT-TTg là yêu cầu CBCCVC và người lao động không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Thực ra những quy định này không hoàn toàn mới, nhưng trước đây việc thực hiện của CBCCVC và người lao động ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa được nghiêm túc. Không ít cơ quan, đơn vị vẫn để xảy ra tình trạng cán bộ uống rượu, bia trong giờ làm việc, hút thuốc trong phòng họp, sử dụng thời gian làm việc để làm việc riêng. Để chỉ thị sớm đi vào cuộc sống, được thực hiện nghiêm túc, mỗi cơ quan, đơn vị cần rà soát, bổ sung nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị mình, xây dựng chế tài nhằm xử lý nghiêm, đồng thời công khai các trường hợp vi phạm.
Chị Khổng Minh Thu Hà (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy):
Thường xuyên chấn chỉnh cán bộ
Hiện nay, đa phần các cơ quan hành chính nhà nước đều lắp đặt hệ thống camera giám sát. Theo tôi, ngoài việc đột xuất kiểm tra quá trình làm việc của bộ phận “một cửa”, tiếp dân trong các cơ quan hành chính, cơ quan chức năng cũng có thể tiến hành kiểm tra “nguội” trên camera. Qua đây góp phần kiểm tra, đánh giá được thực tế quá trình làm việc của các cán bộ cơ quan hành chính nhà nước có nghiêm túc hay không. Một điểm đáng lưu ý nữa là việc đeo thẻ làm việc ở một số cơ quan chưa được nghiêm túc. Công dân đến làm việc sẽ không biết mình đang giao dịch với ai, chức danh của họ ra sao,...
Anh Đỗ Thế Huỳnh (phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai):
Tăng cường giám sát cán bộ
Tình trạng CBCCVC có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, “mặt nặng, mày nhẹ” với người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc, nhất là việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, đăng ký hộ khẩu, khám chữa bệnh... từ lâu đã trở thành “bệnh” trong một số đơn vị, cơ quan hành chính nhà nước. Thế nhưng, việc xử lý cán bộ có hành vi này chưa được thực hiện nghiêm khắc. Bản thân tôi khi đưa người nhà đi khám bệnh cũng chưa cảm thấy hài lòng với một số y, bác sĩ. Lẽ ra, khi người dân đến khám bệnh, y, bác sĩ phải ân cần hỏi thăm, hướng dẫn bệnh nhân nộp giấy tờ, tiền khám…, thế nhưng y, bác sĩ lại “to tiếng” khi bệnh nhân hỏi thăm đường đến các phòng khám. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, tôi rất hoan nghênh và kỳ vọng những tồn tại nêu trên sớm được khắc phục.
Tuy nhiên, để xử lý được các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, các cơ quan cần tăng cường công tác giám sát, lập hòm thư để mọi công dân đều có thể góp ý đối với cán bộ thực thi nhiệm vụ, trên cơ sở đó xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.