Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 11/09/2016

(HNM) - Ban Nội chính Trung ương vừa có đợt khảo sát tại Hà Nội nhằm phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí”.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy.


Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Quang Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi nhằm làm rõ kết quả và cả những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN, lãng phí tại Hà Nội, cũng như giải pháp và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Bước đầu kiềm chế tham nhũng

- Hà Nội đã tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN và đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Xin đồng chí cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, cấp ủy, tổ chức Đảng đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này thời gian qua ra sao?


- Xác định công tác đấu tranh PCTN, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài nên Đảng bộ thành phố đã cụ thể hóa nhiệm vụ đấu tranh PCTN thành các chương trình công tác toàn khóa. Nhiệm kỳ XV là Chương trình 09, nhiệm kỳ này là Chương trình 07. Với sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất, toàn diện, Hà Nội đã huy động toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh PCTN.

Cụ thể, Thành ủy chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên lĩnh vực này; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế - xã hội; yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát các cơ chế, chính sách, các chế độ tiêu chuẩn.

Xác định công tác cán bộ là một trong những khâu đột phá, Thành ủy chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều quy chế, quy định về phân cấp quản lý; xây dựng các chương trình của Thành ủy phù hợp với từng nhiệm kỳ đại hội nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân các cấp…

Đặc biệt, để nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng, đảng viên và người đứng đầu trong PCTN, lãng phí, Thành ủy Hà Nội đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với 35 địa phương, đơn vị thuộc thành phố trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Sau kiểm điểm, Thành ủy quyết định luân chuyển, điều động 31 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó có 3 chủ tịch UBND quận và một số lãnh đạo sở, ngành thuộc thành phố. Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2015, thành phố đã luân chuyển 130 cán bộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 441 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý...

- Như đồng chí nói, Hà Nội đã huy động toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh PCTN. Vậy, cụ thể là các giải pháp gì và kết quả đạt được như thế nào?

- Hằng năm các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra về kinh tế - xã hội, về công tác cán bộ… trước hết nhằm phát hiện những lỗ hổng về cơ chế, chính sách để kịp thời có giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Cụ thể: Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị, xã hội đã thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực như ngân sách, đầu tư xây dựng, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Hơn 35.000 cuộc giám sát đã được tổ chức, qua đó phát hiện hơn 16.000 vụ vi phạm, kiến nghị giải quyết 13.000 vụ. Công tác kiểm tra, thanh tra trong phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí và thu hồi tài sản tham nhũng cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Ủy ban Kiểm tra các cấp của thành phố đã kiểm tra 3.789 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 1.435 trường hợp là cấp ủy viên các cấp.

Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 7.593 đảng viên. Thanh tra thành phố và thanh tra chuyên ngành đã triển khai 3.222 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý trên 2.596 tỷ đồng, trên 2.453ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, rút kinh nghiệm đối với 245 cá nhân, 314 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 39 vụ. Đối với công tác phát hiện, khởi tố điều tra án tham nhũng, CATP Hà Nội đã phát hiện và khởi tố điều tra 213 vụ/541 bị can, tài sản thiệt hại lên tới trên 501 tỷ đồng, 428.300m2 đất; thu hồi tài sản trên 167 tỷ đồng, 256.700m2 đất… TAND hai cấp đã xét xử tổng số 278 vụ/732 bị can bị truy tố về tội tham nhũng, trong đó sơ thẩm đã xét xử 230 vụ/617 bị can; phúc thẩm đã xử 48 vụ/115 bị cáo. Các vụ án tham nhũng được xét xử tại Hà Nội cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kết quả này đã được Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương về kiểm tra đánh giá cao.

Ngoài ra, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được thành phố cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách thực hiện cụ thể. Qua đó, trong 10 năm qua, thành phố đã tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước trên 8.000 tỷ đồng trong quản lý sử dụng ngân sách; 1.449 tỷ đồng trong quản lý vốn đầu tư xây dựng…

Những con số nói trên so với kết quả chung trên cả nước đều cho thấy Hà Nội là đơn vị dẫn đầu về công tác PCTN. Có thể nói tình hình tham nhũng, lãng phí tại Hà Nội đã bước đầu được kiềm chế.

- Mười năm qua, hệ thống chính trị của Hà Nội đã nhận thức tầm quan trọng của công tác đấu tranh PCTN, vào cuộc rất tích cực. Thế còn ý thức chung của cộng đồng đối với công tác này như thế nào, thưa đồng chí?

- Theo tôi, ý thức chung trong PCTN của người dân đã ngày càng tốt lên. Người dân đã chủ động tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hành vi của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí được phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời nhờ sự phát hiện tố cáo đúng của người dân… Tất nhiên, về vấn đề ý thức trong PCTN, chúng ta còn phải thảo luận nhiều khía cạnh khác nữa mới có thể có cái nhìn đầy đủ.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc


- Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của thành phố, Đoàn khảo sát của Ban Nội chính Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, đó là gì?

- Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng công tác PCTN hiện nay nhìn chung là chưa đạt yêu cầu cũng như chưa đạt được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ ra những hạn chế, đó là:

Nhận thức của một số cấp ủy và một số cán bộ, đảng viên về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ, thiếu sâu sắc, còn coi đây là nhiệm vụ của chính quyền và các cơ quan thực thi pháp luật nên chưa xác định quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền đã được triển khai, nhưng chưa sâu rộng, chưa cụ thể tới các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai và tổ chức thực hiện ở một số cấp ủy còn nặng hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chất lượng thực hiện chưa cao.

Về công khai minh bạch, thực hiện cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, song vẫn còn chậm; ở một số địa phương, đơn vị, công tác thông tin, công khai về dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, có trường hợp còn mập mờ gây hoài nghi trong nhân dân.

Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt, có nơi, có lúc cán bộ chủ chốt các cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa gương mẫu đi đầu trong việc đấu tranh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ý thức trách nhiệm, tác phong, thái độ tiếp công dân của một số cán bộ, công chức chưa tốt; tính chiến đấu của một số tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Vẫn còn hiện tượng cán bộ, đảng viên, công chức thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu đối với tổ chức và công dân, thậm chí lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để trục lợi vi phạm pháp luật.

Hiệu quả của một số giải pháp PCTN còn hạn chế, việc quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, quy hoạch nông thôn mới, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai còn hạn chế, sơ hở; tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai, tài sản công vẫn còn xảy ra. Công tác phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn hạn chế.

- Ngoài những hạn chế mà đồng chí đề cập, có ý kiến cho rằng, một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, thiếu đồng bộ, dễ bị lợi dụng để vụ lợi, tham nhũng?

- Đúng vậy. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật liên quan đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đầy đủ, còn có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi tham nhũng. Hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng phục vụ công tác PCTN còn gặp khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng...

Cần chủ động phòng ngừa, kiên trì đấu tranh

- Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, thành phố có kiến nghị gì với trung ương để thúc đẩy hiệu quả, chất lượng công tác PCTN?


- Khi trao đổi với Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương, thành phố mong muốn Chính phủ, các cơ quan nội chính trung ương nghiên cứu tăng thẩm quyền cho các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cho phép các cơ quan này được áp dụng một số biện pháp đặc biệt để phát hiện, điều tra các hành vi tham nhũng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiến hành sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật PCTN, Luật Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN cho phù hợp nhằm kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xét xử tội phạm về tham nhũng, chống các sai phạm và bỏ lọt tội phạm. Cần thiết phải nghiên cứu cụ thể hóa hành vi tội phạm về tham nhũng trong doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; nghiên cứu hình sự hóa một số hành vi tham nhũng theo Công ước của Liên hợp quốc như hối lộ cho công chức nước ngoài…

Thành phố cũng kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương cần phối hợp để ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp; nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ quan giám định chuyên trách làm cơ sở để giải quyết các vụ án tham nhũng. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế pháp lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm an toàn để người dân tố cáo các hành vi tham nhũng; có chính sách khen thưởng phù hợp với các tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện, tố giác và đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng; hình thành tốt hơn cơ chế phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài…

- Thành phố có những giải pháp gì để chủ động khắc phục khó khăn, tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới, thưa đồng chí?


- Các giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, tăng cường PCTN đã được thể hiện rõ trong Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy là: PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Việc tổ chức thực hiện phải coi trọng cả phòng và chống, trong đó thực hiện tốt phương châm chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, lãng phí.

Hiện nay, các cấp, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đang tập trung triển khai cụ thể hóa thực hiện Chương trình 07 của Thành ủy. Trước hết, giải pháp cần tập trung là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, chú trọng việc giáo dục đạo đức, rèn luyện tính liêm khiết của đảng viên, cán bộ, công chức, tinh thần trọng danh dự; phê phán những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Như chỉ đạo của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại hội nghị triển khai thực hiện Chương trình 07, cả hệ thống chính trị thành phố, nòng cốt là các cơ quan nội chính, cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ cùng vào cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí.

Trước mắt, thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” theo đúng tiến độ kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, rút ra những bài học kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí. Với sự giúp đỡ của trung ương, sự vào cuộc của người dân, cùng ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng công tác PCTN, lãng phí của thành phố sẽ có những chuyển biến mới, tiến tới từng bước đẩy lùi tệ nạn này như mục tiêu đề ra.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Võ Lâm