Để những hội sách mãi sống động

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 11/09/2016

(HNM) - Từ nhiều năm nay, Hà Nội có thêm một mùa là mùa sách. Trong đó Hội sách Mùa thu (thương hiệu khởi đầu từ năm 2012 do ba Nhà Xuất bản (NXB) Phụ Nữ, Trẻ, Kim Đồng tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) đã trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng đi vào đời sống, lan tỏa và bắt đầu kết tinh những giá trị vượt lên câu chuyện xuất bản đơn thuần.


Hà Nội có nhiều hội sách, nhưng Hội sách Mùa thu luôn gắn liền với vẻ đẹp của Thủ đô cũng như ý nghĩa lịch sử dịp này, có vai trò kết nối gợi nhắc câu chuyện chung về lòng yêu sách của người dân thành phố lâu nay. Năm nay, Hội sách lần đầu tiên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với tinh thần xã hội hóa, chủ động hoàn toàn của các đơn vị xuất bản, phát hành cũng được mang tên Hội sách Mùa thu. Hoạt động này cùng với các hội sách có sự kế thừa trước đó cũng như chuỗi các hội sách thường niên như Hội sách Hà Nội tới đây… hy vọng tiếp tục khuấy động văn hóa đọc, hình thành một sản phẩm văn hóa du lịch mang màu sắc Hà Nội.

60 đơn vị xuất bản, phát hành, giáo dục… với gần 70 gian hàng góp mặt tại Hội sách Mùa thu 2016 có lẽ vẫn chưa phải là điều đáng nói nhất của câu chuyện này. Phía sau những con số trên chính là sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong vai trò điều hành kết nối chung. Bên cạnh đó là sự chủ động bước đầu tìm kiếm lối đi qua phương thức xã hội hóa của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, tổ chức sự kiện…

Từ xu thế kết nối, vào cuộc trên cũng như sự hưởng ứng của độc giả thấy rõ những bước đi cần thiết để cổ vũ cho văn hóa đọc ở Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, nhất là khi Phố sách Hà Nội đang trong quá trình hình thành, dự kiến khai trương vào cuối năm nay.

Phải nói, sự kiện hội sách mới là vỏ sự kiện, quan trọng là nội dung, chất lượng sách do các NXB, đơn vị phát hành, đối tác liên kết thực hiện có mang đến lòng tin cho người đọc hay không? Cũng như vậy, bên cạnh việc tiếp cận các tiêu chuẩn của xuất bản thế giới, những hội sách ở Thủ đô cũng không thể bỏ qua khâu tổ chức sao cho bài bản, chuyên nghiệp. Trong đó, bản quyền, nguồn gốc sách phải được bảo đảm như một tiêu chí của văn minh xuất bản để hội sách không thể là nơi lén lút tiêu thụ những đầu sách vi phạm. Lấy người đọc làm trọng tâm phục vụ, những việc tưởng nhỏ như chuẩn bị sơ đồ gian hàng, hệ thống biển chỉ dẫn sự kiện, chỉ dẫn nhà vệ sinh… rất nên được phát huy, hoàn thiện hơn.

Chưa kể, sự kiện năm nay kết thúc, các nhà tổ chức đã phải bắt đầu lên kế hoạch cho năm tiếp theo. Tất cả những chu đáo, nghiêm cẩn và tôn trọng bạn đọc nêu trên không chỉ phục vụ cho lợi ích trước mắt về doanh thu hội sách mà lâu dài đây chính là cách để “lọt mắt xanh” các NXB thế giới, các chuyên gia tổ chức hội sách quốc tế.

Xã hội hóa hoạt động hội sách cần sự chia sẻ đồng lòng của các đơn vị xuất bản, làm sao để hiệu quả, tránh chồng chéo về thương hiệu, phối hợp nhịp nhàng mà không giẫm chân lên nhau. Cũng như vậy, nói không với sách lậu, mỗi người đọc đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động xuất bản, tiếp sức cho những hội sách của Thủ đô, làm giàu thêm cho văn hóa đọc và thúc đẩy xã hội học tập từ chính những hoạt động này.

Rồi các hội sách cũng không chỉ là nơi bán sách mà phải thật sự là nơi tôn vinh sách, tôn vinh tác giả, nơi tạo ra các giá trị tốt đẹp thu hút cộng đồng và lâu dài trở thành một sản phẩm du lịch mời gọi bước chân du khách đến với Hà Nội nhiều hơn.

Hà An