Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5: Rung chuyển tiến trình hòa bình

Thế giới - Ngày đăng : 07:26, 11/09/2016

(HNM) - Một vụ “động đất” mạnh 5,3 độ richter được ghi nhận ngày 9-9 vừa qua tại miền Đông Bắc Triều Tiên, gần khu thử hạt nhân dưới lòng đất Punggye-ri, khiến nhiều quốc gia lo ngại về một hoạt động hạt nhân mới của nước này.

Đài Truyền hình quốc gia Triều Tiên phát thông tin vụ thử hạt nhân lần thứ 5 đã thành công.


Chỉ vài giờ sau đó, lo lắng này đã trở thành hiện thực khi truyền thông Nhà nước Triều Tiên ra tuyên bố khẳng định quốc gia này vừa tiến hành thành công vụ nổ “đầu đạn hạt nhân được chuẩn hóa, có khả năng gắn lên các tên lửa đạn đạo chiến lược”. Thông tin này sau đó cũng được giới quân sự Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ xác nhận. Như vậy, đây là vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng, diễn ra sau vụ thử trước đó 8 tháng và theo khẳng định của Triều Tiên, đây là quả bom hạt nhân có sức công phá mạnh nhất của quốc gia này từ trước đến nay.

Theo đánh giá của quân đội Hàn Quốc, sức mạnh tối thiểu của vụ nổ phải là 10 kiloton - tương đương sức công phá của 10.000 tấn thuốc nổ TNT. Giới chuyên môn thì nhận định sức công phá của vụ nổ phải đạt tới 20 kiloton, nghĩa là lớn hơn cả quả bom nguyên tử “Little Boy” (15 kiloton) và gần bằng quả bom nguyên tử “Fat Man” (21 kiloton) mà Mỹ đã lần lượt ném xuống thành phố Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản) vào năm 1945. Do đó, Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực càng có lý do để lo lắng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lập tức ra tuyên bố rằng "hoàn toàn không thể bỏ qua" bất kỳ thử nghiệm nào kiểu như vậy. Hoạt động phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của Nhật Bản, tác động tiêu cực tới hòa bình và an toàn của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” mà Triều Tiên sẽ phải đón nhận sau vụ việc.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Liu Jieyi cho biết nước này phản đối các vụ thử hạt nhân nhưng không đề cập tới việc tăng cường các biện pháp trừng phạt. Thay vào đó, Trung Quốc khuyến cáo các nước nên hạn chế khiêu khích lẫn nhau, hướng tới sự hợp tác trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh cũng cho rằng, một trong những yếu tố “chọc giận” Triều Tiên chính là việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) tại Hàn Quốc của Mỹ. Mỹ, cường quốc quân sự số một thế giới, lại cho rằng Trung Quốc - với tư cách là nước láng giềng kiêm đối tác kinh tế hàng đầu của Triều Tiên - cần có trách nhiệm và nỗ lực trong việc ngăn chặn các vụ thử hạt nhân diễn ra liên tục như thế.

Cũng giống như những vụ thử bom và tên lửa đạn đạo khác, vụ thử lần này của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn đang chịu lệnh cấm toàn bộ mọi hoạt động thử hạt nhân và công nghệ tên lửa của Liên hợp quốc. Việc liên tục vi phạm lệnh cấm đã khiến Triều Tiên phải chịu thêm hàng loạt lệnh trừng phạt tăng cường của cộng đồng quốc tế suốt một thập kỷ qua. Trong ngày 10-9, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp kín và lên án mạnh mẽ hành động “vi phạm trắng trợn” các nghị quyết của tổ chức này, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng khẳng định đang gấp rút soạn thảo một nghị quyết mới nhằm tiếp tục trừng phạt mạnh mẽ Bình Nhưỡng. Vấn đề nằm ở chỗ cho đến nay, những biện pháp cứng rắn dường như không mang lại hiệu quả cho bán đảo Triều Tiên, nhất là khi lập trường của các bên hoàn toàn cách xa nhau. Ngay cả những thành quả hợp tác hiếm hoi giữa hai miền Triều Tiên cũng gần như bị xóa bỏ. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải tái khởi động cơ chế đàm phán 6 bên nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cần có tư duy sáng tạo và phát triển các biện pháp tiếp cận mới để xoa dịu tình hình. Đối với một quốc gia mà không bị tác động nặng nề bởi các lệnh trừng phạt kinh tế như Triều Tiên thì đối thoại có lẽ là lựa chọn tốt nhất để tạo lối thoát cho căng thẳng và mang đến cơ hội hòa bình. Tuy nhiên, với những diễn biến ở bán đảo Triều Tiên thời gian qua, đặc biệt là sau vụ thử hạt nhân làm rung chuyển dư luận vừa qua, có thể thấy con đường hòa bình đang vô cùng gập ghềnh.

Hoàng Linh