"Tam giác quỷ" IS ở Đông Nam Á
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:51, 11/09/2016
Thực tế, lo ngại về nguy cơ bạo lực leo thang kết hợp với mối đe dọa từ những “vòi bạch tuộc” của IS tại Đông Nam Á đã được đặt ra từ trước. Đặc biệt là sau những vụ tấn công ngày càng tinh vi và có quy mô lớn như tại thủ đô Jakarta của Indonesia hay các đảo Mindanao, Sulu và Basilan của Philippines vừa qua. Thậm chí, một số phần tử thuộc nhóm Gigih Rahmat Dewa còn táo bạo hơn khi lên kế hoạch tấn công Singapore bằng rốc két bắn từ đảo Batam của Indonesia.
Không khó để nhận ra rằng những vụ tấn công trên đều diễn ra xung quanh một trung tâm mà các chuyên gia an ninh gọi là khu vực “tam giác quỷ” nằm giữa biển Sulu (Philippines), Sabah (Malaysia) và Sulawesi (Indonesia). Khu vực bị xem như nằm ngoài vòng kiểm soát của các chính phủ này đã luôn “nóng” trong một thời gian dài, thậm chí hình thành nền kinh tế chính trị riêng dựa trên các hoạt động buôn lậu vũ khí, buôn người và phong trào phiến quân, khủng bố xuyên biên giới. Những năm gần đây, tình hình phức tạp gia tăng khi các nhóm phiến quân đã tranh thủ những tranh chấp trên Biển Đông giữa các quốc gia để lẩn trốn, xây dựng lực lượng.
Thực tế, việc IS cố gắng xoay chuyển hoạt động sang khu vực khác là điều dễ hiểu, bởi lực lượng này đang thất thế toàn diện ở Trung Đông. Trong khi đó, Đông Nam Á cũng được chúng coi là mảnh đất phát triển mới đầy tiềm năng khi khu vực này có 15% trong tổng số 1,6 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn cầu. Ghi nhận của cơ quan an ninh Malaysia cho thấy, riêng tại các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines đã có hàng nghìn phần tử cực đoan lên tiếng tuyên thệ trung thành với IS.
Trong đó nổi lên các tổ chức như Abu Sayyaf, Jemaah Islamiyah (do Abu Bakar Bashir cầm đầu) với nguồn cung tài chính và vũ khí khá dồi dào. Đáng ngại hơn, bản thân IS cũng đã tuyên bố dự định xây dựng căn cứ riêng của chúng tại Đông Nam Á và đăng tải hàng trăm hình ảnh lên các mạng xã hội về các đợt “tuyển dụng”. Số liệu gần đây cho thấy, trong bốn năm qua, hàng trăm công dân ở các quốc gia này cũng đã rời quê hương tới Iraq hoặc Syria để tham gia chiến đấu cùng IS.
Sau một thời gian thu thập kinh nghiệm, những tên này đã và sẽ quay về quê hương để chờ đợi thời cơ hành động. Tính tới tháng 8-2016, đã có khoảng 1.200 tới 1.800 công dân các nước Đông Nam Á từng tới những khu vực do IS kiểm soát. Thậm chí ngay tại Singapore - quốc gia có lực lượng an ninh thuộc hàng "ưu tú" nhất khu vực - cũng có những kẻ trở về với tư tưởng cực đoan được nhận diện. Hầu hết số này đều có xu hướng tới những đảo thuộc “tam giác quỷ” trên để tham gia các lực lượng thân IS hoặc ở lại nội địa và chủ động tiến hành các vụ tấn công theo chỉ đạo.
Trước thực trạng ấy, nếu muốn kiểm soát được tình hình, Indonesia, Malaysia và Philippines nói riêng, cả khu vực Đông Nam Á nói chung phải đẩy mạnh hợp tác để phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn cung nuôi dưỡng khủng bố, gìn giữ an ninh chung và hòa bình trong khu vực.