Chiếu bóng lưu động: Chật vật tìm khán giả

Văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 11/09/2016

(HNM) - Trong thời đại bùng nổ thông tin, đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, chiếu bóng lưu động - kênh thông tin, tuyên truyền, giải trí hấp dẫn một thời phải chật vật tìm khán giả. Với phương châm hoạt động “mang đến những bộ phim khán giả cần”, các đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Nội (Sở VH-TT Hà Nội) luôn có lượng khán giả đông đảo ở mọi thành phần, lứa tuổi.

Một buổi chiếu bóng lưu động tại thôn Khánh Chúc Đồi (huyện Ba Vì).


Mở rộng đối tượng phục vụ

Nói đến chiếu bóng lưu động, nhiều người vẫn hình dung ra cảnh chiếc xe bán tải cũ kỹ, ì ạch chở người, máy móc cồng kềnh đến vùng sâu, vùng xa, chiếu những bộ phim “xưa như trái đất”. Đôi khi, nội dung phim đến đoạn hấp dẫn, bà con phải ra về trong tiếc nuối vì màn hình trắng xóa hoặc đen kịt do trục trặc kỹ thuật.

Ngày nay, địa điểm chiếu bóng vẫn là nơi sinh hoạt công cộng của một cơ quan, đơn vị hay nhà sinh hoạt cộng đồng nào đó, nhưng máy móc, chất lượng phim hiện đại hơn rất nhiều. Chỉ cần chiếc USB nhỏ bé và máy chiếu gọn nhẹ, các đội chiếu bóng lưu động trên địa bàn Hà Nội có thể mang hàng trăm bộ phim thuộc nhiều thể loại, đề tài đến với người dân. Với lợi thế đó, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Nội không chỉ phục vụ lượng khán giả truyền thống mà còn chủ động tìm đến khán giả là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, công nhân trong các khu công nghiệp, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đóng quân tại Hà Nội, thậm chí cả những người đang cai nghiện, thi hành án…

Để đáp ứng được những chuyển động trong nhu cầu đa dạng của khán giả, nội dung chiếu phim được thay đổi liên tục, phù hợp với từng đối tượng. Ông Trương Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Nội cho biết, phim chiếu tại các thôn, làng, bản, khu dân cư vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước gồm cả phim phóng sự, tài liệu, phim truyện về đề tài cách mạng, về Đảng, Bác Hồ…, giúp các tầng lớp nhân dân được sống lại và hiểu hơn về một thời kỳ gian khổ, hào hùng của lịch sử.

Với đối tượng khán giả tổng hợp này, vào ngày thường, không cần đi xa, không phải mất tiền, họ vẫn có cơ hội thưởng thức những bộ phim mới, những bộ phim mang tính thời sự cao. Khi phục vụ đối tượng khán giả chuyên biệt, nội dung các bộ phim trình chiếu được lựa chọn khá kỹ, ví dụ như phim: “Nhìn ra biển cả”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Mùi cỏ cháy”, “Ngã ba Đồng Lộc”… Phim chiếu phục vụ cán bộ, đảng viên trong các đợt sinh hoạt chính trị thường phản ánh cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, về quá trình hình thành, phát triển của Đảng như “Hồ Chí Minh chân dung một con người”, “Đường tới độc lập, tự do”, “Đất nước đứng lên”…

“Mang đến những bộ phim khán giả cần, chứ không phải những gì sẵn có là cách tốt nhất để các đội chiếu bóng lưu động có được lượng khán giả đông đảo. Giữa thời đại bùng nổ các chương trình vui chơi, giải trí, trung bình mỗi năm, các đội chiếu bóng lưu động của Hà Nội vẫn chiếu từ 1.500 đến 1.700 buổi, phục vụ hàng trăm nghìn lượt khán giả. Rất hiếm khi, lượng khán giả xem phim lưu động dưới con số 100 người”, ông Trương Mạnh Hà khẳng định.

Trăn trở tìm đề tài phù hợp

Không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí cho nhân dân, chiếu bóng lưu động còn là hình thức phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị một cách trực tiếp, hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy, người dân hào hứng đón xem những bộ phim truyện được chiếu lưu động về đề tài lịch sử, cách mạng, phim phóng sự, tài liệu xã hội hơn những bộ phim giải trí hiện đại. Vì thế, việc tìm kiếm những đề tài mới, phù hợp với công chúng Thủ đô luôn là mối quan tâm hàng đầu của những người công tác trong lĩnh vực chiếu bóng lưu động.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Nội cho biết, Trung tâm đang tiến hành sản xuất phim tài liệu “Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội”. Phim kể về những bước đi của thành phố trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần mang lại diện mạo, cảnh quan, đời sống mới cho nông dân, nông thôn vùng ngoại thành. Ngoài đề tài nông thôn mới, Hà Nội còn có nhiều phong trào khác được người dân nhiệt tình hưởng ứng như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng văn hóa giao thông; phòng chống tệ nạn xã hội… có thể dựng phim. “Đây là những đề tài có tính thời sự nóng hổi, nếu được xây dựng thành phim và tuyên truyền lưu động, sẽ mang lại hiệu quả kép. Phim chiếu lưu động sẽ đa dạng, hấp dẫn hơn; việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chung sẽ sâu, rộng hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Trương Mạnh Hà, Trung tâm chưa đủ kinh phí và khả năng để sản xuất phóng sự, phim tài liệu về những đề tài nói trên. Bởi vậy, Trung tâm mong muốn các ngành, đơn vị chức năng trong quá trình hoạt động, nếu có những thước phim về các vấn đề xã hội quan tâm có thể cung cấp, hợp tác với Trung tâm nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô được tốt hơn.

Minh Ngọc