Phải là điểm tựa vững chắc cho nông dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 12/09/2016

(HNM) - Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển "tam nông", đáng chú ý là Nghị định 55/NĐ-CP, ngày 9-6-2015, của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, hành trình người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều rào cản, nút thắt khó giải quyết.

Khó bởi vì vẫn còn quá nhiều thủ tục rườm rà và hàng loạt điều khoản ràng buộc từ phía ngân hàng. Thậm chí, đâu đó còn có dư luận về việc phải chi hoa hồng, "phí bôi trơn" cho nhân viên "nhà băng" mới được giải ngân... Những bất cập, hạn chế trên đã khiến không ít hợp tác xã tại khu vực nông thôn, các nông hộ không mở rộng được quy mô sản xuất, kinh doanh, từ đó bị lỡ cơ hội phát triển; nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao phải tạm dừng vì "đói" vốn... Đây cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp của Chính phủ; ảnh hưởng tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư...

Những rào cản, vướng mắc đối với dòng vốn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cần sớm được giải quyết, "cởi trói" một cách hiệu quả. Muốn làm được điều đó, trước hết, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với những vấn đề thiết thân với người nông dân như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cả giấy chứng nhận quyền sử dụng sau dồn điền đổi thửa - một điểm nghẽn có thể coi là rất đáng lưu tâm tại nhiều địa phương hiện nay. Bởi đây là “giấy bảo lãnh” quan trọng để nông hộ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, rất cần vai trò của các hội, đoàn thể tại thôn, xóm, cụm dân cư liên quan trong việc tín chấp, bảo lãnh cho hội viên vay vốn. Ở chiều ngược lại, các hộ sản xuất, kinh doanh đơn lẻ cần liên kết thành câu lạc bộ, hoặc góp vốn, quyền sử dụng đất để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Đương nhiên, khi có tư cách pháp nhân, những mô hình mà ở đó các nông hộ là những thành viên sẽ dễ dàng vay vốn ngân hàng hơn.

Từ phía "nhà băng" - các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần có những phương án phù hợp tăng nguồn vốn, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn cho vay và thời gian trả nợ để tăng khả năng tiếp cận cho người nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm tối đa phiền hà trên cơ sở bảo đảm an toàn tín dụng.

Ở cấp độ điều hành vĩ mô, hoạt động tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cần được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả hơn nữa... Ngoài ra, cần có thêm những ưu đãi để thu hút các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tham gia cho vay sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển nông thôn.

Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh và đây chưa bao giờ là lĩnh vực hấp dẫn đối với doanh nghiệp cũng như các ngân hàng. Nhưng chính nông nghiệp với những người nông dân tần tảo một nắng hai sương lại là một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, nhất là ở những thời điểm khó khăn. Vì thế, việc "cởi trói" tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn càng gặp nhiều vướng mắc thì lại càng cần sự chung tay, nỗ lực ở mức cao của các cấp, ngành, địa phương để người nông dân, các tổ chức kinh tế ở lĩnh vực này yên tâm cũng như có điểm tựa để sản xuất một cách hiệu quả, giữ vững vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế.

Hoàng Văn