Bố mẹ lưu ý, trẻ dễ loạn thần do ngậm 'tem' giấy được bán trước cổng trường
Xã hội - Ngày đăng : 16:03, 12/09/2016
Được tẩm vào miếng giấy nhỏ, in hình ngộ nghĩnh, nhân vật nổi tiếng. Rẻ, dễ tiếp cận, nhiều thanh niên và thậm chí học sinh cấp 2 có thể bị loạn thần bởi loại ma túy được gọi là “tem giấy” hay “bùa lưỡi” này.
"Tem giấy" được giới trẻ dễ tiếp cận và sử dụng. |
“Tem giấy” - chất ma túy gây ảo giác mạnh nhất
Bệnh nhân N.T.D. (13 tuổi) được mẹ dẫn đến khám khi thấy con có những triệu chứng bất thường, hết sức kỳ lạ. Vẻ mặt bé ngây dại, nhìn mẹ sợ hãi. Khi mẹ đến gần thì la hét, bỏ trốn.
“Ban đầu, gia đình tưởng bé bị trầm cảm hay khủng hoảng tuổi dậy thì nên đưa đi khám. Tuy nhiên, sau khi được khám riêng, nói chuyện với bác sĩ, bé mới khai nhận đã ngậm 5-10 miếng “tem giấy” mỗi ngày. Bé bị hoang tưởng, loạn thần do dùng LSD”, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM nói.
Dưới tác dụng của chất kích thích này, cậu bé 13 tuổi thấy mẹ mọc hai răng nanh, giống ác quỷ. Vì vậy, bé luôn sợ hãi, la hét và bỏ trốn khi nhìn thấy mẹ.
Theo bác sĩ Hiển: LSD (lysergic acid diethylamide) là chất bán tổng hợp từ nấm cựa gà. LSD được tổng hợp tại Thụy Sĩ vào năm 1938. Tuy nhiên, sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) “thế giới ngầm” ngưng sản xuất thì chất ma túy này đã xuất hiện lại thời gian gần đây.
Nó được “tung ra” dưới hình thức được tẩm vào những miếng giấy nhỏ (như con tem, kích thước 1,5x1,5cm), in hình ngộ nghĩnh, nhân vật nổi tiếng. Giá bán khá rẻ. Được sử dụng bằng cách le lưỡi liếm như dán tem hoặc ngậm đầu lưỡi. Vì vậy, được gọi là “tem giấy” hay “bùa lưỡi”.
Bác sĩ Hiển cho biết, sau khi liếm, ngậm “tem”, chất LSD sẽ đi vào cơ thể và có thời gian gây tác động kéo dài đến 12 giờ. Chỉ cần sử dụng 1 microgram/kg cân nặng sẽ gây ảo giác, loạn thần kéo dài đến vài ngày.
Tức, người có cân nặng thông thường (khoảng 50-60kg) thì chỉ cần dùng lượng nhỏ LSD bằng khoảng 1/3 hạt muối ăn là đã bị ảo giác.
“Tem giấy” là loại ma túy mới. Là chất gây ảo giác mạnh nhất và là 1 trong 2 chất ma túy nguy hiểm nhất hiện nay. 100% người sử dụng tới liều đều bị ảo giác, loạn thần”, bác sĩ Hiển dẫn đánh giá khoa học.
Mua rẻ, dễ như mua… tem
Điều nguy hiểm và đáng báo động hiện nay là “tem giấy” được bán rẻ, dễ mua. Thế nên, giới trẻ, thậm chí có cả học sinh cấp 2 dễ tiếp cận.
“Đặc biệt nguy hiểm là hiện các test nhanh không phát hiện (dương tính) chất này khi đối tượng sử dụng bị kiểm tra”, bác sĩ Hiển nói.
Để tìm hiểu về thực trạng mua bán “tem giấy” ở TP.HCM, chúng tôi đã liên hệ một đầu mối chuyên cung cấp loại ma túy này.
Gọi vào số điện thoại 0937xxx, chỉ qua vài ba câu nói, chúng tôi được H., một đầu mối bán “tem giấy” ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) đồng ý giao dịch.
"Tem giấy" được rao bán trên mạng xã hội (trái) và thực tế (phải) - Ảnh: Trác Rin |
Hẹn gặp H. ở một quán nước trên đường Phạm Hùng (Q.8), H. phóng xe chiếc xe Dream “độ” đến rồi thở hổn hển: “Đuối quá, tui từ dưới Gò Vấp lên nên hơi xa. Lên giao cho ông sẵn giao cho mấy khách khác gần chỗ này luôn”.
Chúng tôi ra vẻ tò mò, mới non nớt tập chơi “tem giấy” nên H. ra sức chỉ dẫn. “Ông “chíp” (ngậm “tem”) khoảng 8 tiếng. Cái loại lấy bên Nga, giá 300.000 đồng, dùng chỉ thấy người ảo ảo thôi. Còn loại lấy từ Thụy Sĩ về, giá 500.000 đồng thì sướng khỏi chê luôn. Ông cứ tưởng tượng nhìn một thứ mà suy nghĩ được đủ thứ khác hết là biết”, H. mô tả.
Theo ghi nhận, một miếng "tem giấy" lớn gồm nhiều miếng nhỏ, có giá khoảng 300.000-500.000 đồng, nếu giá sỉ thì khoảng 250.000-300.000 đồng. Tính ra, mỗi miếng nhỏ chỉ khoảng 20.000 đồng.
“Ngậm suốt 8 tiếng vậy sao ăn uống, rồi lỡ nuốt thì coi như toi”, chúng tôi lo lắng. H. cười khoái chí và lập tức trấn an: “Cái này thì yên tâm. Tui đảm bảo ông mà “chíp” thì không bao giờ thấy đói. Còn nếu lỡ nuốt thì cũng không sao, nó chỉ là miếng giấy thôi chứ có gì mà sợ”.
Hiện nay, việc trao đổi, mua bán tem giấy diễn ra rất dễ dàng và công khai. Thậm chí, chỉ cần vào mạng xã hội cũng có thể tìm được những “mối” bán. Từ đó, “hàng” cũng dễ dàng tuồn đến tay người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
N.V.Đ. (21 tuổi, ngụ Q.3) bật mí: “Chơi mấy loại này chủ yếu do… ham vui thôi. Cần sa hay tem giấy chơi cũng đều có cảm giác riêng. Tuy hút cần sa đang nổi cộm nhưng tem giấy cũng ngày càng được nhiều người tìm đến. Ngậm trong miệng, vừa đơn giản vừa thuận tiện”.
Loạn thần - nguy hiểm giết người, giết mình
Theo bác sĩ Hiển, do có tác động trên hệ thần kinh nên ma túy có thể gây ra: mất ngủ sau khi sử dụng đối với nhóm kích thích thần kinh và gây ngủ bù sau thời gian mất ngủ; các triệu chứng loạn thần: ảo giác, hoang tưởng, kích động hành vi; sử dụng lâu ngày gây có thể gây biến đổi nhân cách và phát sinh nhiều hệ quả xã hội khác.
Bác sĩ Hiển cho biết, các chất kích thích, ma túy này đều gây ra tình trạng loạn thần. Với nhóm chơi “hàng đá” hay “cỏ Mỹ” thường bị ảo thanh. Tức, người bị ảo giác này nghe thấy những tiếng đe dọa, kích động, ra lệnh cứ vang lên trong tai, đầu óc mình và làm theo những âm thanh đó.
Còn với “tem giấy” (“bùa lưỡi”) thì người chơi bị ảo thị. Tức thấy những hình ảnh kỳ lạ như thấy mẹ là quỷ dữ, đứng trên lầu mà thấy mình đứng dưới đất hay thấy mình là siêu nhân, chim đang bay lượn trên trời,…
Có trường hợp, người dùng bị hoang tưởng, tưởng mình là siêu nhân hay chim và có thể bay lượn, đứng từ trên cao nhảy xuống “như bay” và tử vong…
“Người phê “đá” và “tem” ra đường thì độ nguy hiểm như nhau. Đều bị kích động, làm hại mình và người xung quanh. Khi bị loạn thần, hoang tưởng thì đều có thể giết người hoặc giết mình”, bác sĩ Hiển khuyến cáo.
Bác sĩ khuyên phụ huynh phải quan tâm, chăm sóc con em mình thật kỹ. Nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của con để sớm biết và can thiệp đúng đắn. Phụ huynh đừng cho con em mình nhiều tiền. Khi thấy con có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị thì nên đến khám bác sĩ.
“Thế giới ngầm” luôn đi trước luật pháp và các nhà quản lý một bước. Họ luôn tìm cách lách luật một cách khôn ngoan. Thế nên các loại ma túy mới, trong đó có “tem giấy”, sẽ là một thách thức đối với công tác phòng chống ma túy hiện nay.
Chúng ta cần giáo dục cho con trẻ nhận biết để tránh xa những cuộc chơi mang tính nghiện ngập vì hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn”, bác sĩ Hiển nói thêm.