Bảo đảm chỉ số thống kê chính xác, kịp thời!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 12/09/2016
Vì sao số liệu vênh nhau?
Tổng cục Thống kê (TCTK), các đơn vị thuộc Ngành Thống kê được giao nhiệm vụ làm công tác thống kê và có trách nhiệm, quyền hạn công bố số liệu thống kê. Kết quả do TCTK công bố là số liệu chính thức, dùng để sử dụng rộng rãi trong xã hội; cũng là căn cứ để đánh giá, so sánh chính thức. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, Tổng cục rất quan tâm đến công tác rà soát, điều hành và chủ động trong việc thống nhất các mốc so sánh, cách hiểu nhằm bảo đảm chất lượng hoạt động nghiệp vụ. Đơn cử, về thời gian, đến nay Tổng cục chỉ đạo các cục thống kê địa phương đồng loạt công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 24 hằng tháng, thay vì "thói quen” nhiều tỉnh, thành phố thường công bố CPI rải rác từ ngày 19 đến ngày 22. Quyết định này nhằm đơn giản hóa và đồng nhất về thời điểm, tạo ra điều kiện thuận lợi trong việc thu thập, đánh giá số liệu một cách sát thực tế nhất cho từng đơn vị làm thống kê.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nói riêng, số liệu thống kê nói chung, có ý nghĩa quan trọng đối với điều hành hoạt động kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Hải |
Trên thực tế, hoạt động thu thập, tổng hợp, phân tích và công bố số liệu thống kê là cả một quy trình liên hoàn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị, bộ phận với nhiều công đoạn chặt chẽ, liên tục. Tuy nhiên, các đơn vị, ngành, địa phương cũng tham gia, thực hiện công tác thống kê như một hoạt động cần thiết, phục vụ chính ngành, địa bàn của mình. Bởi vậy mà cách tiếp cận, xử lý số liệu; thậm chí cả về cách đánh giá khó đồng nhất, có khi “vênh” nhau khá nhiều. Có nhiều nguyên nhân gây ra thực trạng này. Như đội ngũ làm công tác thống kê tại các đơn vị, địa phương, ngành còn mỏng, trình độ chưa đồng đều, có khi phải kiêm nhiệm; nhất là đối với các địa bàn xa, kinh tế chậm phát triển và khó khăn về kinh phí; phương tiện phục vụ chuyên môn thiếu, lạc hậu...
Không để thành tích... gây áp lực
Một số ngành khác, như hải quan, thuế cũng đều công bố kết quả theo định kỳ, nhưng với mốc thời gian khác nhau. Ngành Hải quan công bố thống kê sau mỗi lần 15 ngày (không trùng với thời điểm công bố của TCTK), dựa trên số liệu thực tế thu thập từ các cửa khẩu, dẫn đến số liệu xuất nhập khẩu có sự khác nhau giữa hai cơ quan này. Ông Nguyễn Bích Lâm đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các ngành cần tìm hiểu, thực hiện tốt các quy định liên quan đến hoạt động thống kê; chấm dứt tư tưởng chạy theo thành tích, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn thực lực mà vô tình trở thành áp lực cho Ngành Thống kê. Dự kiến, từ năm 2017, TCTK sẽ tính và công bố GDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm sự chính xác cũng như đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, bộ cần tự giác tuân thủ yêu cầu gửi báo cáo định kỳ, tránh tâm lý thờ ơ, thậm chí là vô tình bất hợp tác. Đến nay vẫn còn một số bộ không thực hiện đầy đủ, hoặc không thực hiện chế độ báo cáo, gây khó cho TCTK, như các Bộ: Tư pháp, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ngành Thống kê cần có tinh thần cầu thị trong việc thực thi nhiệm vụ, làm sao phục vụ các cấp lãnh đạo, đơn vị và người sử dụng số liệu thống kê một cách đa dạng, đầy đủ, kịp thời nhất. Bản thân ngành cần chủ động nâng cao chất lượng chuyên môn, bảo đảm tiêu chí hàng đầu là trung thực, chính xác, kịp thời để trở thành nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy, phục vụ công tác điều hành chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng như đối tượng sử dụng thông tin. Ngành Thống kê cần rà soát các đầu việc, kiện toàn tổ chức, nhất là nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, khắc phục tồn tại và nắm bắt, áp dụng những phương pháp tính toán tiên tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ đó, bảo đảm được tính tương đồng, có thể so sánh chính xác với cách tính của thế giới. Đặc biệt, ngành cần tập trung mở rộng nội dung các ấn phẩm, sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu thông tin một cách nhanh chóng, kể cả chuyên biệt, với xu hướng ngày càng cao và đa dạng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đơn cử, TCTK cần bảo đảm khả năng cung cấp và phân tích sâu sắc thông tin về thị trường lao động, biến động dân số đến doanh thu thực tế của hộ kinh doanh hoặc kết quả xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN để đưa ra tư vấn, cảnh báo nếu cần thiết…