Nông dân “khóc ròng” vì tin đồn thất thiệt

Kinh tế - Ngày đăng : 08:51, 12/09/2016

Tình trạng một số thông tin gây hoang mang cho người tiêu dùng về nông sản Việt độc hại vì ngậm chất độc không dừng lại ở dạng “tin đồn”, một số tờ báo mạng đưa tin thiếu kiểm chứng từ các cơ quan chuyên môn đã làm xấu hình ảnh của nông sản Việt Nam trên thị trường, khiến người dân điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Cá rô phi đang được tiêu thụ rất tốt cũng đã vướng phải tin đồn bị nuôi bằng thuốc trừ sâu (ảnh minh họa).


Mới đây, một tờ báo mạng khá nổi tiếng còn “phán” giống nhãn Miền Thiết của Hưng Yên được xông lưu huỳnh nên có mã sáng màu, để lâu không thối. Thông tin “chết người” này lập tức khiến giá nhãn Hưng Yên giảm chỉ còn một nửa. Nhiều đơn hàng có nguy cơ bị hủy, người trồng nhãn Hưng Yên chết dở sống dở trước nguy cơ bị thương lái ngừng mua sản phẩm. Rất may thông tin sau đó được làm sáng tỏ, người trồng nhãn Hưng Yên được giải oan, giá nhãn chậm chạp nhích lên nhưng vẫn chưa đạt được mức giá như dự kiến ban đầu.

Thời gian qua, nhiều loại nông sản ở ĐBSCL cũng “dính” những tin đồn vô căn cứ, như: Ngô trồng tại một số tỉnh vùng ĐBSCL có chứa kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật, có nguy cơ gây ung thư… Những tin đồn này kéo dài khiến giá cả nông sản rớt mạnh.

TS Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: Ngay khi có thông tin về vỏ bao quả xoài có chất độc hại, số lượng bán và giá xoài tại các tỉnh phía nam đang ở mức giá 35.000 - 40.000 đồng/kg lập tức giảm chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi trước đó, xoài của Việt Nam đang tăng triển vọng xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Australia… Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng đã cử đoàn kiểm tra về tận địa phương lấy mẫu túi bọc xoài đem vào phòng thí nghiệm nghiên cứu, phân tích thì thực tế các túi này hoàn toàn không chứa hóa chất độc hại.

Về thông tin quả sầu riêng bị nhúng chất ethephone, trong thực tế, hoạt chất ethephon được phép sản xuất dưới dạng phân bón với công dụng là kích thích caosu ra mủ, kích thích nhãn, vải, xoài, thanh long… ra hoa, nhưng chưa chỉ định dùng để làm chín trái cây. Cái sai của người sử dụng là sử dụng không đúng chỉ định, tạo điều kiện để “cộng đồng mạng” tung tin là chất ethephone vô cùng độc hại, có khả năng gây ung thư. Ngay lập tức. Giá sầu riêng đang từ “đỉnh cao” rơi xuống vực thẳm. Tin đồn đã vô hình trung tạo điều kiện để các thương lái Trung Quốc “vớ bẫm” mua sầu riêng với giá rẻ mạt. Trong khi đó, người nông dân đang rớt nước mắt vì tiền thu được từ bán sầu riêng không đủ bù chi phí cho phân bón, nhân công.

Gần đây, khi có thông tin sử dụng lưu huỳnh để xông nhằm làm đẹp mã quả nhãn lồng, nông dân Hưng Yên lại “khóc dở mếu dở” khi giá nhãn giảm gần một nửa và tiêu thụ rất chậm. Ngay lập tức, Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên có ý kiến khẳng định thông tin này hoàn toàn không chính xác và yêu cầu tờ báo phải cải chính, sau đó giá nhãn mới nhúc nhích tăng lên.

Về thông tin cá rô phi nuôi bằng thuốc trừ sâu, TS Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) bày tỏ: “Con người đụng tới thuốc trừ sâu còn chết, huống chi cá, một thông tin quá phản khoa học. Ngoài ra, không một cơ quan nào có thể cấp phép nuôi cá ở vùng đất nhiễm chất dioxin cả. Nếu bài báo không ghi địa chỉ cụ thể nơi nào nhiễm dioxin hoặc chính xác người nông dân nào nuôi cá bằng thuốc trừ sâu mà chỉ ghi chung chung, đánh đồng thì vô tình làm ảnh hưởng đến người nông dân cơ cực”.

“Tôi không thể hình dung nổi thông tin từ đâu mà có một vài PV đăng tin là cá rô phi được nuôi bằng thuốc trừ sâu. Mặc dù thuốc trừ sâu thế hệ mới đã được nghiên cứu và sản xuất giảm độc tố đi rất nhiều, nhưng vẫn là chất độc, ăn vào là chết. Thông tin cho rằng cá rô phi được nuôi bằng thuốc sâu thì thật không thể tưởng tượng nổi” - TS Hoàng Trung bức xúc bày tỏ.

Không dũng cảm như VTV đã có văn bản xin lỗi bà con nông dân và bị cơ quan chức năng, báo V không thừa nhận thông tin sai, mà chỉ sửa lại một số chi tiết trong bài. Thậm chí, trước các đồng nghiệp, PV báo này còn “nói cứng”: “Tôi không sai, vì trong bài tôi không hề nhắc đến từ “nông dân” nào”!

Theo Lao động