Nước rửa chén, lau nhà có thể tàn phá sức khỏe như thế nào?

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:41, 13/09/2016

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, việc tiếp xúc với nước rửa chén, lau nhà có thể tàn phá sức khỏe một cách nhanh chóng.



Dùng nước rửa chén và lau nhà sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh minh họa.



Các nhà khoa học Na Uy phát hiện những người sử dụng sản phẩm gia dụng tẩy rửa trong thời gian nhất định sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), trong đó bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng.

Nhóm nghiên cứu khai thác dữ liệu của European Community Respiratory Health Survey (ECRHS) theo dõi trên 5.000 phụ nữ trong khoảng thời gian 20 năm. Kết quả cho thấy những người thường xuyên sử dụng các chất tẩy rửa bị giảm chức năng phổi 17% so với người bình thường. Ngay cả người chỉ lau chùi nhà cũng bị suy giảm chức năng phổi 14%.

Các tác giả giải thích rằng trong quá trình làm sạch bếp, nhà vệ sinh, sàn nhà, con người tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại như ammonia có thể gây kích ứng đường hô hấp.

Các chất khác như natri hypoclorit (một hợp chất hóa học thường được dùng trong thuốc tẩy), limonene (tạo mùi thơm như cam, bưởi, hoa) có thể tăng dị ứng đường hô hấp. Chúng là một trong những thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giết chết 25.000 người ở Anh mỗi năm.

Trước mức độ nguy hiểm của loại hóa chất trên, ông Oistein Svanes, trưởng nhóm nghiên cứu khuyến cáo mọi người cần phải nhận thức rõ hơn về mức độ độc hại của những sản phẩm mình đang sử dụng thay vì vì tin vào những mẩu quảng cáo.

Bởi theo trưởng nhóm nghiên cứu, hóa chất làm sạch có thể tăng nguy cơ gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy mọi người nên nhận thức đúng về những rủi ro và có những động thái tích cực để giảm thiểu nguy cơ này.

Những sai lầm chết người khi sử dụng nước rửa chén va lau nhà

Đổ nước tẩy rửa lên đĩa, bát

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên đổ nước tẩy rửa trực tiếp lên dụng cụ đựng thức ăn bởi làm như vậy vừa lãng phí mà khả năng sau khi tráng lại bằng nước sạch, lượng hóa chất còn sót lại trên bề mặt chén đĩa nhiều, theo Giáo dục Việt Nam.

Khi được tái sử dụng để đựng đồ ăn, các hóa chất còn sót lại trong đó sẽ thôi ra đồ ăn, đi vào cơ thể người, về lâu dài sẽ gây bệnh. Vì thế lời khuyên cho mọi người khi dùng nước rửa chén, hãy dùng một chiếc khay riêng, hòa một ít dung dịch vào nước, khuấy đều lên rồi mới sử dụng.

Tráng không sạch

Bằng cảm quan chúng ta khó có thể nhận thấy các hóa chất vẫn còn bám trên bề mặt chén đĩa nếu chỉ được tráng sơ qua. Do đó, để làm sạch các chất này chẳng còn cách nào khác là bạn phài tráng cho thật kỹ, từ 2 đến 3 lần trong chậu nước sạch sau khi rửa.

Ngâm dụng cụ vào nước rửa chén quá lâu

Đừng thấy chén đĩa quá dơ mà bạn nghĩ rằng phải ngâm chúng trong nước tẩy pha loãng qua một đêm mới sạch hết được. Thực chất thời gian ngâm dụng cụ đựng thức ăn trong dung dịch tẩy rửa càng lâu thì nguy cơ các hóa chất đó ngấm vào chén đĩa càng cao.

Dùng nước tẩy để rửa các dụng cụ bị sứt mẻ

Chén, đĩa, hũ sứ bị nứt, khi dùng nước tẩy để rửa sạch, khả năng hóa chất còn bám lại trên bề mặt bị sứt mẻ rất cao. Dù tráng lại bằng nước cũng khó sạch triệt để.

Lấy quá nhiều dung dịch

Đôi khi thấy chén dĩa quá dơ, bà nội trợ sợ rửa không sạch nên dùng một lượng lớn nước rửa chén để pha vào nước với nồng độ đậm đặc. Theo các nhà nghiên cứu sẽ rất khó rửa sạch hết hóa chất, những chất còn sót lại sẽ thôi ra thức ăn khi dụng cụ đó được tái sử dụng.

Mua nước rửa chén không rõ nguồn gốc

Nhìn chung tất cả sản phẩm tẩy rửa đều có hóa chất độc hại nhưng nếu so ra thì các sản phẩm tẩy rửa trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc cho con người hơn.

Một số nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy, các chất độc hại trong dung dịch tẩy rửa có thể thẩm thấu qua da, xâm nhập vào cơ thế qua đường tiêu hóa, hô hấp. Hệ quả là làm da mỏng đi, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến ung thư da và một số bệnh nguy hiểm khác.

Do đó các nhà khoa học khuyến cáo, tốt nhất nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên hoặc tẩy rửa ở nhiệt độ cao, vừa tăng hiệu quả làm sạch vừa an toàn cho sức khỏe con người.

Tự làm nước rửa chén không hóa chất

Hiện nay, nhiều người lo ngại sản phẩm nước rửa chén trên thị trường chứa nhiều hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe gia đình mình. Hãy cùng học cách làm nước rửa chén từ nguyên liệu thiên nhiên, vừa tiết kiệm, vừa an toàn lại cực dễ làm nhé!

Nguyên liệu: 4 trái chanh; 500ml nước; 100ml giấm trắng; 1 chén muối tinh

Cách làm: Rửa sạch chanh, sau đó cắt chanh thành các lát nhỏ, loại bỏ phần hạt chanh

Cho toàn bộ phần chanh đã cắt vào chảo nhỏ, đổ nước xấp bề mặt, sau đó vặn lửa to để đun sôi. Nước sôi vặn lửa nhỏ và đun tiếp khoảng 20 phút rồi bắc ra. Các bạn lưu ý vừa đun vừa khuấy đều và thêm nước nếu cần thiết nhé!

Đổ hỗn hợp chanh vừa đun vào máy xay sinh tố, đổ nước xấp bề mặt sau đó xay cho đến khi hỗn hợp chanh nhuyễn ra.

Đổ hỗn hợp vừa xay nhuyễn vào chảo, đun tiếp cho đến khi sôi thì thêm giấm và muối vào. Tiếp tục đun lửa nhỏ trong thời gian 10-15 phút rồi tắt bếp. Sau đó để nguội dung dịch nước rửa chén vừa đun, sau đó đựng chúng trong các lọ thủy tinh để sử dụng.

Vì dung dịch rửa chén được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên nếu để ở nhiệt độ phòng sẽ nhanh bị lên men, bạn hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng nhé!

Axit citric có trong quả chanh, dầu chanh có trong vỏ chanh hay giấm trắng là những chất tẩy rửa tuyệt vời đến từ thiên nhiên, giúp bạn đánh bay các vết bẩn và khử mùi hiệu quả cho bát đĩa nhà mình.

Theo VietQ