Phối hợp để hoạt động tốt hơn

Chính trị - Ngày đăng : 07:38, 13/09/2016

(HNM) - Việc cung cấp thông tin chưa thường xuyên, khoảng cách giữa các cơ quan vẫn còn, công tác sơ kết, rút kinh nghiệm chưa đều đặn… là những hạn chế sẽ được Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND thành phố và 6 sở, ngành thuộc Khối VH-XH khắc phục trong thời gian tới. Các bên thống nhất quan điểm:

Giúp sở, ngành làm tốt vai trò tham mưu

Hoạt động ký kết giữa Ban VH-XH HĐND TP Hà Nội với các sở, ngành thuộc Khối VH-XH của thành phố bắt đầu từ năm 2013. Nhờ có sự phối hợp này, Ban VH-XH và các sở, ngành đã chủ động, phối hợp hiệu quả trong phục vụ các kỳ họp HĐND thành phố. Các sở, ngành nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cử cán bộ tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo, các cuộc giám sát, khảo sát do Ban VH-XH thực hiện, trên cơ sở đó giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố ký quy chế phối hợp với các sở thuộc Khối Văn hóa - Xã hội.



Trưởng ban VH-XH HĐND thành phố Trần Thế Cương cho biết, giai đoạn 2013-2016, Ban đã phối hợp với các sở, ngành thuộc Khối VH-XH tham mưu trình HĐND thành phố ban hành 17 nghị quyết. Các nghị quyết đã đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng tình cao như: “Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, “Quy định chế độ, chính sách đối với đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn...”, “Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô”… Ban đã phối hợp thực hiện 21 cuộc khảo sát, giám sát về: An toàn thực phẩm; giá dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; dạy thêm, học thêm; giáo dục mầm non; đầu tư, quản lý, khai thác thiết chế văn hóa… Sau mỗi đợt giám sát, Ban đều có kết luận báo cáo Thường trực HĐND thành phố và các cơ quan liên quan, trong đó nêu rõ kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, đề xuất, kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt hơn.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành cho biết, trong quá trình thực hiện các chính sách, ngay cả các phòng, ban, cơ quan tham mưu của Sở cũng chưa bao quát hết, từ đó tham mưu chưa đầy đủ. Khi phối hợp thực hiện giám sát, khảo sát với Ban VH-XH, thành viên trong đoàn đã phát hiện những bất cập, thiếu sót, gợi mở những giải pháp cho Sở. Cụ thể như chế độ thù lao cho đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn, do ngân sách thành phố khó khăn nên chưa thực hiện được. Nhưng tại các cuộc giám sát về chế độ chính sách cán bộ cơ sở, ý kiến của các thành viên đoàn giám sát cho rằng cần phải tham mưu với UBND thành phố, sớm ban hành chính sách động viên, khuyến khích các đội công tác xã hội tình nguyện ở cơ sở. Năm 2015, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố về chính sách này, HĐND thành phố đã thông qua và đến nay đang triển khai thực hiện.

Cần đi vào chiều sâu

Sự phối hợp đã mang lại hiệu quả, song theo các thành viên Ban VH-XH HĐND thành phố và các sở, ngành, công tác tổ chức sơ kết quy chế phối hợp hằng năm chưa được duy trì nên việc đánh giá hạn chế để điều chỉnh chưa kịp thời. Việc phối hợp cung cấp thông tin đã có, song chưa thường xuyên, khiến cho khoảng cách giữa Ban VH-XH với các sở vẫn còn. Đáng lưu ý, Khối VH-XH có 6 sở, nhưng giai đoạn 2013-2016, Ban VH-XH HĐND thành phố mới ký kết quy chế phối hợp với 3 sở (Y tế; GD-ĐT; LĐ-TB&XH), nên hoạt động nắm bắt thông tin chưa đồng đều trong khối. Mới đây, Ban VH-XH HĐND thành phố đã ký quy chế phối hợp giai đoạn 2016-2021 với cả 6 sở trong khối: Y tế; GD-ĐT; LĐ-TB&XH; TT-TT; VH-TT; Du lịch. Các cơ quan thống nhất sẽ phối hợp trong hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hằng năm và 5 năm; thực hiện kết luận, kiến nghị qua giám sát của Ban VH-XH; xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan thuộc lĩnh vực của các sở theo quy định. Ngoài ra, các cơ quan trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra, các báo cáo quý, 6 tháng, năm của ngành, báo cáo tổng kết công tác của các cơ quan; cử cán bộ tham dự các cuộc họp, hội thảo, tập huấn, giám sát, khảo sát có nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động... Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, thành viên Ban VH-XH cho biết, hoạt động phối hợp là rất cần thiết. Mỗi sở cần thống nhất rằng, Ban VH-XH giám sát nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, đề xuất giải pháp để thúc đẩy công việc tốt hơn, chứ không phải là soi mói, phê phán ngành. Bởi trong xây dựng chính sách không phải lúc nào cũng phù hợp thực tiễn, cần phải có đánh giá, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp… thì qua giám sát, khảo sát sẽ thấy được lỗ hổng, hạn chế để khắc phục.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc các ban của HĐND thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành ký kết chương trình phối hợp là rất thiết thực. Qua đó, các cơ quan cùng tham mưu hiệu quả cho HĐND thành phố xây dựng dự thảo nghị quyết; phối hợp giám sát theo kế hoạch của Thường trực và các ban HĐND, cũng như các vấn đề dân sinh bức xúc nhân dân quan tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việt Tuấn