Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung gỡ vướng mắc về hồ sơ nhà đất

Bất động sản - Ngày đăng : 07:31, 14/09/2016

(HNM) - Tồn đọng hồ sơ nhà đất với số lượng lớn, TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm giải quyết từng trường hợp vướng mắc. Nhưng để làm được điều này, cần sự chung tay của cả người dân và các cấp chính quyền thành phố.

Nhà xây không phép trên đất quy hoạch, đất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều.



Nhùng nhằng tính pháp lý

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 109.000 hồ sơ nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có khoảng 89.000 trường hợp không đủ điều kiện và hơn 20.000 trường hợp đủ điều kiện nhưng người dân không chịu làm thủ tục. Báo cáo giải trình với Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh mới đây về những trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quá lớn, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn liên quan đến tính pháp lý. Cụ thể, do đặc thù sử dụng nhà đất trên địa bàn như chuyển nhượng bằng giấy viết tay trước ngày 1-7-2004 (gần 37.500 trường hợp); lấn chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng không phù hợp quy hoạch (hơn 17.500 trường hợp); xây dựng sai phép, trái phép chưa được xử lý (hơn 7.000 trường hợp). Đặc biệt, có tới hơn 26.500 trường hợp nhà đất không rõ nguồn gốc, chuyển nhượng bất hợp pháp qua nhiều trung gian hoặc giao đất không đúng quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, hồ sơ tồn đọng về nhà đất không dừng lại ở con số đó bởi thực tế đang bùng phát trở lại hiện tượng mua bán nhà đất "chui", bất hợp pháp nhằm "ăn theo" thị trường bất động sản. Tại các quận, huyện vùng ven quỹ đất còn lớn như Thủ Đức, quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn... việc nhiều tổ chức, cá nhân mua đất nông nghiệp, hoặc đất vườn rồi tự ý phân lô, bán với giá rẻ nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra, thực trạng tự ý tách thửa, xây nhà trên đất nông nghiệp, đất vườn nhưng chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rầm rộ tại nhiều địa bàn khiến cơ quan chức năng rất khó ngăn chặn. Những trường hợp này diễn biến phức tạp khiến hồ sơ nhà đất nằm trong "danh sách đen" về pháp lý có nguy cơ "chất chồng" từng ngày.

Thiếu giải pháp căn cơ

Để giải quyết số lượng lớn hồ sơ nhà đất tồn đọng trên, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh đang tập trung lực lượng để giải quyết nhanh việc cấp giấy chứng nhận cho người dân. Tuy nhiên, với những hồ sơ không đủ điều kiện, không đáp ứng yêu cầu pháp lý theo quy định đã vượt thẩm quyền giải quyết của Sở. Nhằm tháo gỡ vướng mắc trên, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét giải quyết dứt điểm các trường hợp mua bán bằng giấy viết tay đến trước ngày 1-7-2014 (thời điểm có hiệu lực thi hành Luật Đất đai 2013), thay vì trước ngày 1-7-2004. Đối với trường hợp không đủ điều kiện liên quan đến việc sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, rà soát các khu vực quy hoạch "treo" để tìm giải pháp tháo gỡ theo hướng điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch. Riêng những trường hợp đã xây dựng nhưng sai phép hoặc không phép, giao Sở Xây dựng rà soát nếu đủ điều kiện sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận.

Dù các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực để giải quyết hồ sơ với số lượng lớn, mong muốn người dân được sở hữu nhà đất hợp pháp nhưng để có giải pháp căn cơ nhằm giải quyết tất cả hồ sơ chưa được cấp giấy chứng nhận không đơn giản. Đối với những hồ sơ nhà đất vướng pháp lý như lấn chiếm đất, vi phạm pháp luật về đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép... thành phố vẫn tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ phù hợp trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho người dân. Để giảm nhẹ gánh nặng trong vấn đề này, theo các chuyên gia, ngoài việc sớm giải quyết những hồ sơ tồn đọng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải ngăn chặn những trường hợp nhà đất phát sinh nhưng không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Nếu không làm tốt điều này, hồ sơ tồn đọng (không đủ điều kiện) sẽ ngày càng dày thêm, số lượng hồ sơ giải quyết sẽ không theo kịp số lượng hồ sơ tăng lên.

Bài, ảnh: Nguyễn Lê