Ngân hàng tăng lãi suất huy động

Tài chính - Ngày đăng : 10:13, 14/09/2016

(HNMO) – Từ đầu tháng 9 một số ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 0,1%-0,3%. Động thái này khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến kỳ vọng giảm lãi suất cho vay.

Từ ngày 5/9, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) tăng lãi suất huy động VND. Nhà băng này niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm thay vì 7%/năm như trước; kỳ hạn 13 tháng được hưởng mức lãi suất 7,8%/năm thay vì mức cũ 7,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. Các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng, 60 tháng cùng được hưởng lãi suất 7,2%/năm.

Một số ngân hàng tăng lãi suất huy động VND (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trước đó, từ ngày 1/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng biểu lãi suất huy động mới với lãi suất tăng 0,1%-0,3%. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 5,2%/năm; kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng cùng được hướng lãi suất 5,5%/năm. Các kỳ hạn từ 13 và 15 tháng được hưởng lãi suất 7%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm được nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Dễ dàng nhận thấy, tăng lãi suất huy động đợt này diễn ra cục bộ chứ không phổ biến trong hệ thống và tập trung ở ngân hàng có quy mô nhỏ. Ngân hàng vẫn tăng lãi suất dù cho thanh khoản trong hệ thông đang dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng vào thời điểm cuối tháng 8 đã xuống đáy thấp nhất trong lịch sử (dưới 0,8%) đối với cả ba kỳ hạn (kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần). Trong tuần vừa qua, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng có nhích lên nhưng mặt bằng ở mức thấp trong nhiều năm qua. Lãi suất kỳ hạn một tuần và hai tuần lần lượt là 0,83%/năm và 1,06%/năm cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn tương đối lớn. BVSC nhận định, trạng thái dư thừa thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn duy trì và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn trong vài tuần tới.

Còn Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hệ thống tài chính trong 8 tháng đầu năm nhìn chung đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào. Tính đến 31/7/2016, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7 triệu 489 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015; trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.

Thanh khoản trong hệ thống dồi dào, vậy tại sao ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động? Theo một số chuyên gia, một số ngân hàng tăng lãi suất nhằm cân đối nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn bởi từ năm 2017 tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng thương mại sẽ giảm từ 60% như hiện nay xuống 50%. Ngoài ra, ngân hàng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, đáp ứng nhu cầu cho vay khi mà tín dụng thường tăng trưởng nhanh vào thời điểm quý 4.

Dù không diễn ra phổ biến nhưng ngân hàng tăng lãi suất huy động ít nhiều sẽ tác động đến kỳ vọng giảm giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại cuộc họp với các tổ chức tín dụng (TCTD) để đánh giá tình hình thị trường tiền tệ 8 tháng đầu năm, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 mới diễn ra cho thấy, NHNN đã có các văn bản chỉ đạo các TCTD rà soát, đảm bảo thanh khoản ở các kỳ hạn và tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý; qua đó, giảm bớt áp lực về chênh lệch kỳ hạn, áp lực đối với mặt bằng lãi suất. Qua rà soát đánh giá, trong 8 tháng đầu năm, lãi suất huy động cơ bản ổn định, có xu hướng tăng nhẹ 0,2-0,3% trong giữa tháng 2 đến tháng 3. Từ tháng 5 trở lại đây, có TCTD điều chỉnh tăng, có TCTD điều chỉnh giảm, nhưng xu hướng chung là ổn định. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD về cơ bản diễn biến ổn định, từ cuối tháng 4/2016, các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

Thanh Hương