Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại Ba Vì
Xã hội - Ngày đăng : 07:23, 15/09/2016
Giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc luôn được chính quyền huyện Ba Vì đặc biệt quan tâm. Ảnh: Bá Hoạt |
Vùng đồng bào DTTS huyện Ba Vì có khoảng 27 nghìn người, gồm 18 dân tộc khác nhau. Đây cũng là vùng đất cổ giàu truyền thống, nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội đặc trưng, đời sống tinh thần, nhất là hoạt động tín ngưỡng của đồng bào trên địa bàn huyện rất đa dạng, mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc.
Toàn huyện hiện có 11 bộ cồng chiêng. Xã Minh Quang có 4 đội cồng chiêng thường xuyên tập luyện, tích cực truyền dạy cho lớp trẻ để tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống. Anh Dương Hồng Sơn, cán bộ dân tộc xã Minh Quang cho biết: Nghệ thuật biểu diễn chơi cồng chiêng là một nét đẹp văn hóa của người Mường trong những dịp lễ hội, ngày tết, ngày cưới... Tiếng cồng gắn bó sâu sắc với người Mường từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời. Đội cồng chiêng của xã có cả già và trẻ đã đi biểu diễn ở nhiều nơi và đại diện cho huyện Ba Vì dự thi các hội diễn liên hoan văn nghệ, gặt hái được nhiều giải thưởng.
Với tỷ lệ người dân tộc Dao chiếm khoảng 98% dân số, xã Ba Vì đang nỗ lực khôi phục, gìn giữ những phong tục, lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào như Tết Nhảy, Lễ Cấp sắc, múa Chuông… Tuy nhiên, việc bảo tồn và khôi phục những lễ hội này không hề đơn giản. Bởi, như Tết Nhảy trước đây 12 đến 15 năm gia chủ tổ chức 1 lần, nay phải 20 năm mới có dịp diễn ra, do rất tốn kém. Một năm cả xã cũng chỉ có 2-3 đám Tết Nhảy. Bên cạnh đó, việc khôi phục tiếng nói và chữ viết của người Dao cũng còn nhiều khó khăn. Chị Phùng Thanh Hải, cán bộ văn hóa xã Ba Vì chia sẻ: “Các lớp truyền dạy chữ Dao trong thôn, xóm vẫn có, nhưng chỉ là tự phát, không có bài bản và hiệu quả không cao. Rất mong nhận sự quan tâm của các cấp để tiếng nói và chữ viết người Dao được khôi phục, không bị mai một thêm”.
Tuy còn nhiều khó khăn trong việc bảo tồn giá trị văn hóa các DTTS của huyện Ba Vì, nhưng những năm qua công tác bảo tồn đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa sâu sắc của các giá trị văn hóa, đồng thời tăng cường xã hội hóa huy động nhiều nguồn lực phục vụ cho việc bảo tồn, phục hồi các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền núi được huyện duy trì trong Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm là dịp để các DTTS trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Các hoạt động gìn giữ văn hóa cổ truyền như: Sưu tầm, lưu giữ các bài chiêng cổ, tổ chức truyền dạy tiếng nói, chữ viết… được triển khai thường xuyên. Các làng nghề dệt thổ cẩm, văn hóa nhà sàn, một số trò chơi dân gian cũng được khôi phục và phát triển trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Nhiều hội thi, liên hoan văn nghệ được tổ chức, trong đó chú trọng các tiết mục của đồng bào dân tộc thiểu số… cũng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Phát huy những nét đẹp kể trên cũng là cách đẩy lùi dần những hủ tục lạc hậu trong đời sống hằng ngày của bà con dân tộc.
Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu chia sẻ: “Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện được gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phục dựng lại các bài chiêng cổ, phục dựng lại đám cưới người Mường, những trò chơi dân gian; sưu tầm và mua sắm những sản phẩm văn hóa vật thể, như chuông chiêng người Dao, quần áo người Mường…”
Nhưng để công tác bảo tồn được lâu dài và bền vững, cũng cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với nghệ nhân dân gian, những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa truyền thống của các DTTS. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực là người DTTS.