Khúc mắc tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long: Đừng để “bé xé ra to”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 15/09/2016
Bảo vệ Công ty CP Phát triển Minh Hòa chỉ vị trí bị ngăn cản cấp điện đấu vào trạm biến áp. |
Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nếu hai bên cùng bàn thảo trên cơ sở tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, duy trì việc làm ổn định cho người lao động thì không đến nỗi "việc bé xé ra to" như vậy.
Theo Công ty cổ phần Phát triển Minh Hòa (Công ty Minh Hòa), ngày 17-7-2016, trạm biến áp cấp điện của công ty gặp sự cố tràn dầu. Để khắc phục, DN đã làm việc với điện lực quận Bắc Từ Liêm để xây dựng trạm biến áp mới, công suất lớn hơn, ở vị trí khác trong khuôn viên công ty. Theo cách này, đường dây điện mới đi ngầm sâu 0,5m, dài khoảng 40m, sát chân tường rào. Tuy nhiên, việc thi công phải chịu dang dở do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng ngăn cản. Sau đó, ngày 4-8-2016, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng có văn bản kiến nghị với điện lực quận Bắc Từ Liêm, Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội cắt điện, rút giấy chứng nhận đầu tư và thanh lý hợp đồng thuê đất đối với Công ty Minh Hòa...
Ông Trương Quốc Cư, Giám đốc Công ty Minh Hòa bức xúc: "Lý do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng đưa ra là chúng tôi không nộp phí quản lý. Thực tế, hợp đồng thuê đất (năm 2004) không có điều khoản thu phí. Đến ngày 30-12-2011, hai bên mới ký phụ lục hợp đồng cho thuê đất, với mức thu phí là 0,3 USD/m2/năm.
Ngay sau đó, Công ty đã nộp số tiền gần 145 triệu đồng (phí quản lý của 2 năm), nhưng vấn đề là đơn vị quản lý đã không giúp đỡ, tạo điều kiện mà lại gây khó dễ cho DN; đơn cử khi chuyển vị trí hố ga bảo vệ ra ngăn cản, thu cuốc, xẻng. Đèn chiếu sáng hỏng, không được sửa chữa. Cỏ mọc um tùm, chúng tôi phải thuê người cắt. Thêm nữa, DN phải bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư trạm biến áp, chi hàng chục triệu đồng để sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ. Trong khi, trạm điện trong KCN công suất quá nhỏ và xa nên không thể sử dụng được... Vì lẽ đó, chúng tôi đã tạm dừng nộp phí".
Trước những bức xúc từ phía Công ty Minh Hòa, ông Vũ Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng giải thích, khi làm trạm biến áp mới, vị trí tiếp địa chồng lên hố ga thoát nước thải của KCN. Hơn nữa, đơn vị làm vào ngày nghỉ và không xin phép. Khi bảo vệ KCN ngăn chặn việc đào hè, họ mới nộp hồ sơ thiết kế và xin phép thi công. Theo ông Vũ Hồng Việt, vỉa hè, lòng đường do KCN quản lý, bên dưới là hệ thống hạ tầng nước thải, nước sạch, điện... Nếu để vỡ sẽ ảnh hưởng đến cả KCN. Hơn nữa, đơn vị thi công không đưa ra được phương án bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ khi vận hành nên Công ty chưa thể đồng ý. Bốn năm qua, Công ty Minh Hòa chưa nộp phí quản lý, với yêu cầu làm rõ tiền dùng làm gì, trong khi quy định về quản lý phí các KCN và phụ lục hợp đồng đã nêu rõ...
Theo quan sát của phóng viên, vị trí đặt trạm biến áp nằm trong khuôn viên Công ty Minh Hòa cách xa điểm đấu nối hệ thống thoát nước thải. Nếu DN chưa hiểu, chưa làm đủ thủ tục xin phép đào hè thì đơn vị quản lý nên hướng dẫn hoàn thiện. Ngược lại, đơn vị khi đã thuê đất, hoạt động trong KCN cũng phải chấp hành các quy định chung. Thiết nghĩ, hai bên cần bàn bạc thấu đáo, trên tinh thần tạo thuận lợi cho DN sản xuất, duy trì việc làm ổn định cho người lao động để có hướng giải quyết tích cực. Có lẽ, Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội cũng nên vào cuộc, tránh để DN phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm lao động.