Dự kiến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 20/10-22/11/2016

Chính trị - Ngày đăng : 13:25, 15/09/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.


Tại phiên họp, các ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV do Tổng Thư ký Quốc hội trình. Đồng thời đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung chương trình, thời gian và cách thức tiến hành kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các cơ quan hữu quan về dự kiến nội dung kỳ họp, trong đó nêu rõ yêu cầu của UBTVQH về trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị nội dung; đồng thời đề nghị các cơ quan căn cứ tình hình thực tế, xem xét kỹ khả năng chuẩn bị để sớm khẳng định việc bổ sung hoặc rút nội dung khỏi dự kiến chương trình, tránh việc điều chỉnh sát thời điểm khai mạc kỳ họp.

Các cơ quan cơ bản nhất trí với dự kiến và có một số đề nghị bổ sung nội dung, đồng thời tích cực chuẩn bị hồ sơ tài liệu thuộc trách nhiệm.

Trong số 5 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, có 3 dự án luật được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp này; còn 2 dự án đang được tích cực hoàn thiện để trình UBTVQH tại phiên họp thứ 4 (tháng 10/2016).

Sau phiên họp lần thứ 3 của UBTVQH này sẽ có 12/16 dự án luật trình Quốc hội lần đầu được UBTVQH cho ý kiến. Với tiến độ như vậy, nếu các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện thì có thể gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thảo luận trước khi về dự kỳ họp.

Tại phiên họp lần thứ 3 này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác như các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng…

Các nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; các báo cáo về giám sát chuyên đề và nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn… đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 4 (tháng 10/2016).

“Nhìn chung, các cơ quan hữu quan đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị các nội dung kỳ họp. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ 2 khá gần nhau, công tác chuẩn bị có hạn chế về thời gian, dẫn đến nhiều nội dung phải trình UBTVQH cho ý kiến vào sát thời điểm khai mạc kỳ họp (phiên họp tháng 10/2016), ảnh hưởng đến việc gửi tài liệu kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.

Về chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp thứ 2 được bố trí như thông lệ; đồng thời, tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước như ghép việc trình bày các tờ trình, báo cáo, thông qua luật, nghị quyết cùng với thảo luận tại hội trường, bố trí thảo luận cùng buổi hoặc gần nhau đối với những nội dung có liên quan với nhau;...

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 24 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó Quốc hội làm việc một trong 5 ngày thứ Bảy. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10/2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2016.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV do Tổng thư ký Quốc hội trình cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, theo đúng ý kiến chỉ đạo của UBTVQH; đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện, sắp xếp chương trình phù hợp, xây dựng cách thức tổ chức kỳ họp hợp lý.

“Tất cả các nội dung trình ra Quốc hội cần phải được chuẩn bị thật chu đáo và theo đúng nguyên tắc bảo đảm đúng luật, đúng Hiến pháp. Bảo đảm tiến độ nhưng không phải vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị, gồm các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, của Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan liên quan... Nếu các yêu cầu này được bảo đảm, được đáp ứng thì mới trình ra Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, Quốc hội cần phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật về hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tất cả các báo cáo, những vấn đề đưa ra Quốc hội phải được thực hiện nghiêm túc, đẩy đủ, không bỏ qua bất cứ một khâu nào trong quy trình xử lý công việc theo quy định. 

Theo Chính phủ