Nở rộ chợ thực phẩm an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 16/09/2016
Cần thiết phát triển
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, liên tiếp diễn ra 3 phiên chợ TPAT là chợ Lương Nông, chợ Xanh Tử Tế, chợ Nông sản an toàn.
Các chợ thực phẩm sạch cũng cần được cơ quan chức năng kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Phiên chợ Xanh Tử Tế do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thành lập, diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật của tuần thứ nhất và thứ ba mỗi tháng tại quận 3, thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua hàng. Chợ có 40 gian hàng bày bán các sản phẩm đến từ khắp nơi trong cả nước. Về vấn đề chất lượng sản phẩm bày bán, BSA cho biết, các chuyên gia về TPAT, nông nghiệp của trung tâm đã xuống tận nơi nông dân trồng để kiểm tra một cách kỹ lưỡng, mặc dù nơi trồng đã có chứng nhận TPAT.
Chợ Lương Nông tại quận 3 chỉ khoảng 10 gian hàng nông sản hữu cơ, do các nông dân thế hệ 8x, 9x trong Hợp tác xã Lương Nông tự tay trồng. Thời gian đầu vẫn còn nhiều người e ngại về độ tin cậy của thực phẩm tại đây.
Còn chợ phiên Nông sản an toàn do Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh mở định kỳ 2 lần/tuần, vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật với mục tiêu tạo "sân chơi" cho người bán và người mua tiếp xúc, trao đổi và có những hợp đồng cung ứng, cung cấp từng loại nông sản cho các đơn vị hay bếp ăn tập thể. Tiêu chí của những đơn vị tham gia chợ phiên Nông sản an toàn là các sản phẩm phải đạt chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP hoặc tham gia vào chuỗi TPAT của thành phố. Sản phẩm bán tại chợ đều được kiểm tra qua 2 lần, ở nơi sản xuất và ngay tại chợ của cơ quan chuyên ngành. Ví dụ, với thịt gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y và Phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm tra giấy tờ tham gia chuỗi TPAT của thành phố, giấy chứng nhận VietGAP, dấu kiểm soát giết mổ, bao bì, thương hiệu, hạn sử dụng, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm... Do vậy, các chợ phiên Nông sản an toàn luôn thu hút sự quan tâm của người dân.
Sẽ kiểm soát kỹ càng
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, càng có nhiều chợ TPAT được mở ra thì người dân càng có nhiều lựa chọn. Sắp tới, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh sẽ có phương án hỗ trợ để mở rộng, phát triển nếu các chợ làm tốt, có uy tín với người dân.
Tuy vậy, ghi nhận của chúng tôi tại các phiên chợ trên, không ít người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại về nguy cơ người bán trà trộn thực phẩm "bẩn" để kiếm lời. Điều này sẽ làm mất ý nghĩa ban đầu của chợ TPAT, tạo thành trào lưu xấu chỉ chạy theo lợi nhuận, đánh lừa người tiêu dùng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh) cho hay, khi tổ chức các chợ an toàn đều phải đăng ký tại Sở Công Thương và chỉ có những cơ quan, tổ chức có chức năng tổ chức chợ, hội chợ mới được xem xét, xác nhận cho phép tổ chức. Theo quy định hiện hành, các tổ chức này phải đăng ký mặt hàng và cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa kinh doanh tại chợ. Với các chợ TPAT đang hoạt động hiện nay, các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn quận thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động, chất lượng hàng hóa.