Khẩn trương chấn chỉnh tình trạng “loạn” biển số nhà

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 16/09/2016

(HNM) - 20 hộ gia đình trùng một địa chỉ số nhà, một căn hộ có đến hai biển số nhà, thậm chí có nơi người dân thích số nào... tự mua biển, đánh số đó cho nhà mình... Đây là thực trạng xảy ra tại khá nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Tại cuộc giao ban giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các sở, ngành tháng 8-2016, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp, đôn đốc các quận, huyện tập trung triển khai việc gắn số nhà, hoàn thành trước ngày 31-12-2016.

Hai nhà trên phố Lê Văn Lương cạnh nhau nhưng số nhà cách nhau hàng chục đơn vị.Ảnh: Khánh Huy


...Tự chọn số theo ý muốn

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tình trạng biển số nhà lộn xộn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trên tuyến đường mới mở. Đơn cử, các phố Trần Đại Nghĩa, Hoàng Cầu, Yên Lãng, Xã Đàn, đường Vành đai 1… người dân tự treo biển số nhà theo ý thích, theo phong thủy, số nào hợp tuổi thì gắn cho nhà mình. Tại ngõ chùa Mỹ Quang, phố chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), còn tồn tại khoảng 20 hộ gia đình trùng số nhà. Tình trạng đánh số nhà chưa thống nhất cũng xảy ra tại các tuyến phố Thi Sách, Ngô Thì Nhậm, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… Tại phường Vạn Phúc (Hà Đông), với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, bộ mặt của nhiều tuyến phố đã thay đổi nhưng việc đánh số nhà lại chưa theo kịp, đã khiến nhiều bất cập nảy sinh.

Anh Nguyễn Hồng Phong, một nhân viên giao hàng sống tại quận Hoàn Kiếm cho biết, mỗi lần nhận đơn hàng vận chuyển đến các tuyến đường mới mở là lại lo khó tìm đúng địa chỉ. “Số nhà lung tung, không theo một quy luật nào, có khi đang số 35 thì bên cạnh lại là số 68. Ngay cả người sinh sống ở đó cũng không biết số nhà đánh như thế nào nên việc tìm đúng địa chỉ rất vất vả” - anh Nguyễn Hồng Phong phàn nàn.

Việc số nhà đang chẵn lại chuyển sang lẻ được các hộ dân lý giải khá đơn giản. Chị Đặng Thị Hải, một hộ kinh doanh tại quận Long Biên cho biết, nếu cửa hàng đang ăn nên làm ra thì phải giữ số nhà cũ để làm ăn "thuận buồm xuôi gió". Khi bị nhắc nhở thì cứ gắn cả biển số cũ cùng với biển số mới. Thế nhưng, ngoài lý do trên, việc số nhà lộn xộn chủ yếu là do quy hoạch và kế hoạch thực hiện bất cập của cơ quan quản lý. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc đặt tên đường, phố thường thực hiện sau khi mở đường khoảng 2 năm nên việc đánh số nhà như thế nào cũng không phải là chuyện "nay quyết, mai làm". Và trong thời gian đó, người dân đã tự gắn số nhà với nhiều dạng khác nhau.

Thực trạng số nhà lộn xộn hiện nay không chỉ gây bất tiện và bất lợi cho chính người dân ở số nhà đó, mà về mặt quản lý cũng trở ngại không nhỏ. Còn dưới góc độ quản lý đô thị, thì việc số nhà "nhảy múa" tùy tiện đã làm xấu thêm hình ảnh một thành phố đang vươn mình theo tiêu chí "văn minh, hiện đại".

Vướng ở nhiều khâu

Ngôi nhà mang hai biển số trên phố Đặng Thùy Trâm (quận Cầu Giấy). Ảnh: Thùy Linh


Theo quy định hiện hành, việc gắn số nhà có trách nhiệm liên quan của các sở Xây dựng, Tài chính và UBND phường, xã, thị trấn. Nếu Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc đánh số nhà, Sở Tài chính bố trí ngân sách, chi lệ phí cấp biển số nhà thì UBND quận, huyện, thị xã thực hiện trực tiếp từ khâu thống kê, lập danh sách đến tư vấn, xin đặt tên cho các tuyến phố mới. Tuy nhiên, sự tuân thủ của người dân cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn số nhà một cách trật tự, khoa học.

Trường hợp gắn số nhà tại phường Vạn Phúc là một ví dụ điển hình. Tính đến cuối tháng 8-2016, phường Vạn Phúc đã rà soát, thống kê danh sách 12 tổ dân phố, với số lượng biển số nhà cần phải gắn là 3.299 trường hợp. UBND phường đã triển khai 2.274 trường hợp và gắn được 2.164 biển số nhà. Các trường hợp còn lại chưa lập được hồ sơ do các hộ dân không nộp kê khai hoặc không đủ điều kiện (như xây dựng không phép).

Tại cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các sở, ngành tháng 8-2016, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp, đôn đốc các quận, huyện tập trung triển khai việc gắn số nhà, hoàn thành trước ngày 31-12-2016. Thực hiện chỉ đạo này, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã từ nay đến hết năm 2016 ưu tiên kiểm tra, rà soát và bổ sung vào kế hoạch đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng cho toàn bộ các tuyến đường, phố đã được đặt tên từ năm 2015 trở về trước nhưng chưa triển khai, hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn thành.

Đối với 15 quận, huyện, thị xã có tuyến đường, phố mới đặt tên (26 tuyến) và kéo dài (6 tuyến) trong năm 2016, Sở yêu cầu xây dựng kế hoạch và hoàn thành việc gắn biển (số nhà và chỉ dẫn công cộng) trong vòng 6 tháng. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, các ngành chức năng sẽ vận động các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành việc gắn số nhà mới tại các khu vực phải đánh lại số nhà.

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, để việc gắn biển số nhà đi vào nền nếp, các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch đặt tên, đổi tên đường phố hằng năm đồng bộ với đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng, nhằm đáp ứng tốc độ đô thị hóa hiện nay. Cùng với đó, để việc gắn biển số nhà được thực hiện theo đúng chủ trương của thành phố, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Sở Văn hóa và Thể thao trong việc kiểm tra, khảo sát hiện trạng khi đặt tên đường, phố; của Sở Tài chính trong việc hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xây dựng và bố trí ngân sách thực hiện gắn biển số nhà, để công việc này nhanh chóng đi vào nền nếp. 

Hương Ly