Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW
Chính trị - Ngày đăng : 14:36, 17/09/2016
Đoàn kiểm tra do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn.
Về phía Thành ủy Hà Nội, tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Thành ủy.
Hà Nội đã giảm được 55 phòng, ban; 130 đơn vị sự nghiệp
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đã báo cáo Đoàn kiểm tra kết quả của Hà Nội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận của Hội nghị TƯ 7 khoá XI về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020.
Đánh giá về thực trạng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, khối các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của TP có 50 đơn vị với 3.550 biên chế được TƯ giao. Số biên chế đã giao cho các đơn vị là 3.427 biên chế, gồm cả 486 công chức thuộc 5 lớp đào tạo cán bộ nguồn của TP. Còn lại 123 chỉ tiêu biên chế dự phòng chưa giao. Số biên chế hiện có là 3.183 biên chế, còn 244 biên chế đã giao nhưng chưa sử dụng.
Khối các cơ quan chính quyền cấp TP và cấp huyện của Hà Nội có 54 cơ quan với 9.267 biên chế được giao, hiện có 9.046 biên chế.
Toàn TP cũng có 2.638 đơn vị sự nghiệp công lập với 133.793 biên chế được giao. Số viên chức hiện có là 125.450 người.
Qua thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội TP đã có 12 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ này, gồm các ban Đảng Thành uỷ, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị của TP.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng báo cáo Đoàn kiểm tra về kết quả kiện toàn, sắp xếp bộ máy công chức, viên chức của Hà Nội |
Qua rà soát, có 4 đơn vị cần bổ sung nhiệm vụ ngoài quy định của TƯ. Sau sắp xếp, các đơn vị đã giảm 9 đầu mối phòng, ban (11,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%); giảm 9 cán bộ cấp trưởng, phòng, ban, giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban. Số cán bộ dôi dư sau sắp xếp được bảo lưu phụ cấp chức vụ cho đến hết thời gian bổ nhiệm.
TP cũng đã tiến hành hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và Đảng bộ Khối Du lịch, từ 5 Đảng bộ khối giảm 1 đầu mối còn 4 Đảng bộ khối trực thuộc Thành uỷ.
HĐND TP đã thực hiện tách Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, cơ cấu tổ chức bộ máy các ban, văn phòng HĐND bảo đảm tinh gọn, hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Tại khối các cơ quan trực thuộc UBND TP, đã hoàn thành việc sắp xếp tại 22/22 sở và tương đương. Sau sắp xếp giảm 46 phòng, ban so với hiện tại (tương đương giảm 22,5%), giảm thêm 6 phòng so với Thông tư liên tịch, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với trưởng, phó phòng sau sắp xếp kết hợp xem xét luân chuyển, điều động, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp.
Với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, sau rà soát, sắp xếp giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (tương đương 30,2%).
Đến nay, qua rà soát, sắp xếp, toàn Thành phố đã giảm được 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 35 trưởng phòng, ban, 136 phó phòng, ban.
Hà Nội đã chi trả 9,84 tỷ đồng để thực hiện chế độ tinh giản biên chế
Về tinh giản biên chế, Phó bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ở khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, dự kiến đến năm 2017 giảm 69 biên chế so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 9,94 tỷ đồng/năm); đến năm 2020 giảm 413 người so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 59,5 tỷ đồng/năm).
Tại khối các cơ quan chính quyền, Hà Nội đã giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm; Giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP cho 115 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 110 người nghỉ hưu trước tuổi, 1 người chuyển sang các cơ sở không sử dụng ngân sách nhà nước và 4 người thôi việc ngay. Tổng kinh phí chi trả thực hiện chế độ tinh giản biên chế là 9,84 tỷ đồng.
Năm 2016, Hà Nội giảm 1,5% biên chế công chức được giao (141 biên chế). Thành phố phấn đấu đến năm 2020-2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015.
"Đối với viên chức, Hà Nội kiên quyết không tăng biên chế, chỉ tăng cho lĩnh vực y tế và giáo dục theo đúng định mức quy định tại các văn bản của Trung ương", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.
Về nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, Hà Nội đã tuân thủ đúng Nghị định số 108/NĐ-CP. Đến nay, Thành phố đã thực hiện chi trả 2 đợt cho 115 trường hợp/151 đối tượng được Bộ Nội vụ phê duyệt với tổng kinh phí 9,8 tỷ đồng từ 2 nguồn là kinh phí cải cách tiền lương năm 2016 của Thành phố và nguồn thu, dự toán ngân sách được giao.
Báo cáo của Thành phố cũng làm rõ về việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của TƯ. Hà Nội đã triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước theo Nghị định 130/2005/CĐ-CP đến toàn bộ các đơn vị dự toán cấp huyện. Qua đó, các cơ quan, đơn vị chủ động tiết kiệm biên chế, tiến kiệm kinh phí chi hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả, cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2015, Hà Nội đã tiết kiệm chi khoảng 140,7 tỷ đồng, bằng 11,1% kinh phí quản lý hành chính được giao tự chủ; chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động bình quân khoảng 10% mức tiền lương cấp bậc, chức vụ.
3 vấn đề khiến dân bức xúc: Tham nhũng, bộ máy cồng kềnh, suy thoái tư tưởng
Đánh giá cao báo cáo của Hà Nội trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TW cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đã thực hiện công tác này rất quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm chính trị và khí thế rất cao.
Qua khảo sát tại 10 tỉnh thời gian qua, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, hiện đang nổi lên 3 vấn đề khiến người dân rất bức xúc.
Thứ nhất, đó là bộ máy cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu qủa. Chúng ta càng thực hiện kế hoạch, chương trình tinh giản bộ máy thì biên chế càng tăng, bộ máy càng phình to hơn.
Thứ hai là suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tác phong lối sống.
Thứ ba là hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của những người có chức, có quyền.
"Cả 3 vấn đề này có quan hệ với nhau. Do đó, nếu giải quyết được vấn đề tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, công tác cán bộ thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, đẩy lùi suy thoái... của chúng ta mới có hiệu quả", đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc |
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng gợi ý thêm một số việc để Hà Nội làm rõ hơn tại buổi làm việc như những bất cập trong lĩnh vực đang nổi cộm hiện nay là giáo dục, y tế, nông nghiệp... Theo đồng chí, tinh giản biên chế muốn hiệu quả thì cũng phải chú ý tới tính trọng tâm, trọng điểm trong khâu thực hiện.
Một số thành viên khác trong Đoàn kiểm tra cũng đánh giá cao báo cáo của Hà Nội, cho đây là một báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu. Các đồng chí đề nghị Hà Nội làm rõ hơn về việc thực hiện tinh giản biên chế ở các sở, ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp (chỉ giảm được 4 người), trạm y tế xã, phường lại tăng biên chế (10 người/trạm, vậy hiệu quả hoạt động ra sao?); hoặc ngành văn hoá ở cấp huyện có 3 trung tâm: Trung tâm văn hoá, Trung tâm thể dục thể thao và Đài phát thanh, đơn vị nào cũng có cấp trưởng, phó, kế toán, như vậy đã hợp lý chưa?; việc xây dựng tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ công chức; chủ trương sắp xếp lại các quận, huyện trong thời gian tới; việc sắp xếp lại các chi cục thuộc các bộ, ngành; quan điểm của Hà Nội về đề xuất bỏ Nghị định 130, thay vào đó cấp kinh phí theo biên chế thực...
Có thành viên đề nghị, Hà Nội cung cấp số liệu về tổng biên chế sự nghiệp của Hà Nội và Hà Tây tại thời điểm năm 2004 (thời điểm trước khi các địa phương được tự chủ biên chế) và tổng số biên chế tại thời điểm năm 2013 và hiện nay, từ đó mới có cơ sở đánh giá rõ hơn Hà Nội đã tiết kiệm được bao nhiêu biên chế.
Hà Nội giải đáp, trao đổi về các vấn đề Đoàn kiểm tra nêu
Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí trong Đoàn kiểm tra, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đã phân công các đồng chí phụ trách trả lời theo tinh thần ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.
Bí thư quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luâncho biết, hiện 4 phường trên địa bàn còn hợp tác xã với các chức danh quản lý. Đến thời điểm này, quận đang làm thủ tục với Hội Nông dân Thành phố, tinh thần là chỉ còn một Phó Chủ tịch ở Hội Nông dân cấp quận mà không kiện toàn chức danh Chủ tịch.
Bí thư quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luân |
Thông tin tới Đoàn kiểm tra về biên chế các nhân viên thuộc ngành GD-ĐT, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Hà Nội có đặc thù là số lượng học sinh trên mỗi lớp đông, nên cán bộ y tế thực sự rất cần thiết. Mỗi trường học hiện có 6 biên chế nhân viên gồm 1 thư viện, 1 kế toán, 1 y tế, 1 văn thư lưu trữ và 1 thiết bị thí nghiệm. Theo Giám đốc Sở, những chức danh này đều rất cần thiết trong nhà trường.
"Hiện với 92% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, học sinh ăn trưa tại trường nên việc có nhân viên y tế để bảo đảm an toàn sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh là rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian tới, Sở GD - ĐT sẽ rà soát lại ở trường hoạt động chưa hiệu quả", Giám đốc Sở cho biết.
Về thu gom đầu mối các điểm trường, Hà Nội đã chỉ đạo mạnh mẽ công tác này nên hiện không còn các điểm trường lẻ.
"Để giảm biên chế trong lĩnh vực giáo dục, theo tôi nên cho các trường cơ chế tự chủ về nhân sự. Các trường chỉ tuyển 40-50% giáo viên trong biên chế, còn lại, hiệu trưởng được tự chủ biên chế để tạo sự cạnh tranh từ chính đội ngũ giáo viên trong biên chế", ông Nguyễn Hữu Độ đề xuất.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội có 4 đơn vị là phòng y tế, trung tâm dân số, trung tâm y tế huyện và bệnh viện; trong đó hệ thống nhân viên y tế tuyến dưới hoạt động rất tích cực, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh. Hai tổ chức phải có bắt buộc là bệnh viện (thực hiện khám chữa bệnh) và trung tâm y tế (làm công tác dự phòng và các chương trình y tế).
Báo cáo thêm về tình hình nông nghiệp Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹcho biết, Hà Nội hiện còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp là 188.000 ha. Về chăn nuôi, Hà Nội có đàn gia cầm với 2,6 triệu con, lớn nhất cả nước.
Hiện nay, Thành phố giao 1.007 biên chế viên chức thú y, bảo vệ thực vật ở cấp xã, phường. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố và Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đề xuất thi tuyển viên chức thú y để mỗi xã phường, thị trấn chỉ còn 1 viên chức thú y.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải, số cán bộ công chức của Hà Nội là trên 14.000 người với mức chi tiền lương khoảng 1.500 tỷ đồng. Về chi tiền lương, trong dự toán ngân sách đầu năm có phân tiền lương. Tuy nhiên, trong năm không tuyển đủ, phần tiền lương đó lại trả về cho năm sau. Do đó, Sở Tài chính đang kiến nghị nếu định biên chính xác, đầy đủ, phần đó sẽ dùng để tăng thu nhập cho người lao động.
Giám đốc Sở cho rằng, nếu triển khai rà soát đánh giá tuyển dụng đúng người, đúng năng lực phẩm chất, nhưng không cải cách tiền lương thì rất khó thu hút được người tài. Vì vậy, TP đã cho áp dụng cơ chế tăng thu nhập bằng cách khoán chi, trên cơ sở đó, nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo: có đơn vị nhờ tiết kiệm chi thường xuyên nên đã tăng thêm thu nhập được 2 triệu đồng/tháng cho người lao động...
Trả lời cụ thể về một loạt các vấn đề đoàn công tác nêu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND TP đã thực hiện nghiêm túc, phối hợp đồng bộ với việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ban cán sự UBND TP đã xây dựng quy chế làm việc của UBND TP gồm 53 điều, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ từ Chủ tịch, các Phó chủ tịch, thành viên các sở, ban, ngành, quy định rõ các thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung |
Quá trình thực hiện tinh giản biên chế song hành cải cách hành chính với các yêu cầu đặt ra là sắp xếp bảo đảm ổn định tư tưởng, công việc, không gây xáo trộn tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên; bảo đảm sự hoạt động bình thường của bộ máy, sự hiệu quả của các hoạt động chuyên môn và bảo đảm thu gọn đầu mối trên tinh thần một người một việc. Trên tinh thần này, Thành phố đã thực hiện theo lộ trình 4 giai đoạn từ sắp xếp lại văn phòng UBND TP tới 22 sở, ban, ngành và các ban quản lý dự án, sắp xếp lại vị trí việc làm trên cơ sở thu gọn đầu mối...
"Chắc chắn, thời gian tới Hà Nội sẽ giảm biên chế hơn nữa. Ví dụ, công tác quản lý quảng cáo trước giao cho 5 bộ phận, nay dồn về 1 bộ phận thuộc Sở Văn hoá; việc quản lý chiếu sáng trước kia liên quan đến 3 đơn vị, nay thu gọn về 2 đơn vị là Sở văn hoá, Sở xây dựng. Khó khăn nhất của Thành phố là bảo đảm sự thông suốt về chỉ đạo, nhận thức, cách làm và phương pháp. Trong thời gian tới, lãnh đạo Thành phố sẽ tiếp tục trực tiếp đối thoại với cán bộ chủ chốt các sở, phòng, ban, tạo sự đồng thuận, thông suốt", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Liên quan đến trạm y tế, phòng y tế, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đang rà soát, làm lại quy hoạch. Thành phố đang nghiên cứu xây dựng mô hình bác sĩ gia đình gắn với các trạm y tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Chủ tịch UBDN TP, bản chất các công ty dịch vụ công ích là hoạt động trên cơ sở tiền ngân sách từ ban quản lý các dự án. Do đó, Thành phố đề xuất mạnh dạn chuyển thành tư nhân hoá. Tương tự, cũng nên tư nhân hoá trong công tác quản lý các chợ.
Về cơ cấu cán bộ phường, xã, thời gian tới, Hà Nội sẽ giảm nhân lực ở các bộ phận như cán bộ thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền lương cho người về hưu; cán bộ thực hiện các dịch vụ hành chính công...
Giải thích nguyên nhân một số đơn vị của Hà Nội không sử dụng hết biên chế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, do hiện nay, các đơn vị thực hiện theo khoán nên tiết kiệm tối đa biên chế, dẫn đến dôi dư biên chế, dôi dư tiền lương. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ rà soát lại, thực hiện tinh giản biên chế gắn với tăng tiền lương.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nêu hai đề xuất với Đoàn kiểm tra về việc đẩy mạnh cải cách cổ phần hoá DN theo hướng cổ phần hóa 100% các DN đó. Với các đơn vị sự nghiệp công lập, nên chuyển sang hình thức dịch vụ cung ứng và mạnh dạn tư nhân hoá, chỉ còn giữ lại các sở, ngành đơn thuần liên quan đến quản lý nhà nước, hậu kiểm.
Hà Nội nên tập trung tinh giản biên chế ở những lĩnh vực chi tiêu nhiều ngân sách
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, qua kiểm tra, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ. Điều này thể hiện qua: quán triệt, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc, bước đầu có hiệu quả; đã chuẩn bị tài liệu, báo cáo, số liệu rành mạnh, đáp ứng được yêu cầu kế hoạch kiểm tra, hoàn thành đúng tiến độ quy định; quá trình triển khai của Hà Nội có nhiều sáng tạo, linh hoạt, không những bám sát quy định chung của TƯ, Bộ Chính trị, mà còn dựa trên đặc thù địa phương để có cách làm phù hợp, hiệu quả.
Đoàn kiểm tra cũng chia sẻ với Hà Nội một số khó khăn trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương như: quy định hành lang pháp lý có những điểm chưa sát thực tế, vênh so với chủ trương của Đảng, cụ thể hóa của Nhà nước; có những địa bàn chưa làm được vì đụng lợi ích của cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền, nằm trong biên chế, những người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn hưởng như người đủ tiêu chuẩn; bất cập nếu không tiến hành đồng bộ, quyết liệt trong cả nước thì sẽ có sự so bì giữa các địa phương, giữa các ban, sở, ngành nếu không quyết liệt, đồng bộ, không có sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất thì cũng rất khó làm; cần có nguồn lực để thực hiện...
Từ đó, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị, Hà Nội cần có sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo trong cấp ủy, nhiều vấn đề cần có quyết sách chính trị, trong đó cấp ủy, đặc biệt là Thường vụ Thành ủy phải chịu trách nhiệm và khi đã quyết, phải làm, đồng thời minh bạch thông tin để tránh bị xuyên tạc. Đồng chí cũng đề xuất, việc thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác này nên được lồng ghép với việc xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Để việc tinh giản biên chế có hiệu quả, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, Hà Nội nên tập trung vào những lĩnh vực chi tiêu nhiều ngân sách (như y tế, giáo dục, nông nghiệp); các đơn vị sự nghiệp; hội, đoàn; tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước (nếu làm được, các sở, ngành chỉ còn khoảng 50-60% biên chế); sắp xếp lại các ban quản lý dự án, văn phòng của các ban đảng; tinh giản bộ máy biên chế cấp xã, quy định lại chức năng nhiệm vụ cấp xã theo hướng gọn, nhẹ; nghiên cứu sáp nhập các phòng, ban...
"Chúng tôi hi vọng Hà Nội sẽ tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 39 một cách linh hoạt, hiệu quả", đồng chí Phạm Minh Chính nói.
Tiếp thu ý kiến của Đoàn kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hơn để khắc phục những tồn tại, đồng thời đẩy mạnh thực hiện 10 nội dung đã nêu trong báo cáo của Hà Nội. Trước hết, cấp ủy, lãnh đạo các cấp của Thành phố phải thống nhất, thông suốt quan điểm, đồng thời làm tốt hơn công tác đối thoại, công khai, minh bạch, tuyên truyền để cán bộ công chức nhận thức rõ chương trình này là thực sự cần thiết, đóng góp cho sự nghiệp chung.
Theo dự kiến, tháng 10 tới, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị sẽ có kết quả tổng hợp kiểm tra công tác cán bộ ở các địa phương trong cả nước để báo cáo lên Bộ Chính trị.