Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên họp thứ nhất

Chính trị - Ngày đăng : 16:38, 17/09/2016

Sáng 17/9, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức phiên họp lần thứ nhất, thảo luận, cho ý kiến về Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp” được Đại hội lần thứ XII của Đảng thông qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 343-QĐNS/TW, ngày 13/8/2016 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 19 đồng chí.

Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng



Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo chúc mừng các đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm thành viên Ban Chỉ đạo; tin tưởng và mong muốn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục phát huy kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo các nhiệm kỳ trước đây; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chủ trương, đường lối do Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra và các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 và dự thảo Báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020.

Dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo được xây dựng trên cơ sở kế thừa Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2011 - 2016; cập nhật đầy đủ các quy định của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; sửa đổi một số quy định không còn phù hợp và điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số thành viên phù hợp với cơ cấu, số lượng thành viên Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định của Bộ Chính trị.

Dự thảo Báo cáo về những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011 - 2016 nêu trong Báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2016 trình Bộ Chính trị cho ý kiến tại phiên họp ngày 30/3/2016; cập nhật các chủ trương, đường lối về cải cách tư pháp nêu trong văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại phiên họp về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Ban Chỉ đạo.

Dự thảo đã được Văn phòng Ban Chỉ đạo gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện trình Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Quy chế làm việc, nhất là về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của các thành viên; việc tổ chức các phiên họp; việc tổ chức triển khai thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp trong cả nhiệm kỳ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo Báo cáo về những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020 nhằm bảo đảm tính thiết thực, khả thi của các nhiệm vụ cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, các nội dung thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp này có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao; yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên và tổ chức để nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện các văn bản nêu trên trình Trưởng Ban Chỉ đạo duyệt phát hành.

Để triển khai thực hiện tốt Quy chế làm việc và những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể như sau.

Về thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo; đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thảo luận, quyết định hoặc cho ý kiến về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.

Tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo và việc triển khai tổ chức thực hiện tại cơ quan, tổ chức được phân công phụ trách; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch nước nhấn mạnh, căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp do Ban Chỉ đạo đã thông qua, các thành viên khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trong từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức; định kỳ có sơ kết, tổng kết và đề ra các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.

Trước mắt, cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2017. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản là: tích cực chỉ đạo việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật về tố tụng mới được Quốc hội thông qua.

Khẩn trương hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; thực hiện tốt sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp và thừa phát lại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức nêu trên.

Khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp đã được Ban Chỉ đạo cho ý kiến; cuối năm 2017, tiến hành sơ kết, đề ra phương hướng, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo bám sát những nhiệm vụ trọng tâm đã được thông qua tại phiên họp, chỉ đạo việc cụ thể hóa để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức./.

Theo Chinhphu