Dặm trường 'lưu lạc' của những kẻ trốn nã quốc tế
Thế giới - Ngày đăng : 08:25, 18/09/2016
Cuba từng là một trong những nơi được tội phạm Mỹ nhắm đến khi muốn trốn nã do Havana không có quan hệ ngoại giao với Washington. Ảnh: AFP |
Với nhiều tội phạm Mỹ, có rất nhiều sự lựa chọn trong hàng chục nước không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ - Trung Quốc, Indonesia, Nepal... - vấn đề chỉ là làm sao tìm được đất nước với mức sống cao và tránh các rủi ro nếu một ngày nước này và Mỹ ký hiệp ước dẫn độ.
Gần 50 năm lẩn trốn
Robert L. Vesco là người đã dành nửa cuộc đời mình để trốn chạy hệ thống tư pháp của Mỹ. Đầu thập niên 1970, ông trốn sang Costa Rica để tránh cáo buộc lừa đảo các nhà đầu tư số tiền 240 triệu USD - vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử.
Vesco sau đó "lưu lạc" đến Bahamas và nhiều nơi trước khi "an cư lạc nghiệp" ở Cuba với tư cách người tị nạn nhân đạo. Cuba lúc này vẫn chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, đừng nói gì hiệp ước dẫn độ.
"Nếu ông ta muốn ở đây, hãy để ông ta ở lại. Tôi không quan tâm ông ta làm gì ở nước Mỹ", lãnh đạo Cuba khi ấy, ông Fidel Castro, tuyên bố vào năm 1985.
Thế nhưng, sau gần 1/4 thế kỷ trốn chạy khỏi nước Mỹ, Vesco cuối cùng vẫn vướng vòng lao lý tại Cuba. Ông bị tuyên án 20 tù, cũng với tội danh lừa đảo tài chính vào năm 1996 trước khi mất năm 2008 tại Cuba.
Ít ra đến cuối đời, đại gia này vẫn nằm ngoài tầm tay của chính phủ Mỹ. Các quan chức Mỹ hoàn toàn không hay biết về cái chết của Vesco cho đến khi báo chí loan tin, theo New York Times.
Trong khi đó, với các đại gia Trung Quốc, Mỹ và Úc là hai điểm đến lý tưởng nhất khi cả hai nước này đều không có hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh. Năm 2015, Mỹ đã từ chối yêu cầu dẫn độ doanh nhân Lệnh Hoàn Thành về Trung Quốc.
Lệnh Hoàn Thành là em trai Lệnh Kế Hoạch - người từng là cánh tay mặt của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ông Lệnh Kế Hoạch hiện đang chịu án tù chung thân tại Trung Quốc trong khi Lệnh Hoàn Thành được đồn đoán đang nắm giữ một số bí mật quốc gia của Trung Quốc.
Lại Xương Tinh, nghi phạm hối lộ bị Trung Quốc truy nã quốc tế, được áp giải từ Canada về Bắc Kinh năm 2011. Ảnh: Reuters |
Luật anh, luật tôi?
Về mặt lý thuyết có hiệp ước dẫn độ là có thể áp giải nghi phạm về, nhưng các hiệp ước rất khác nhau và không phải lúc nào cũng được thực thi. Thụy Sĩ và Mỹ là một ví dụ. Hai nước có ký hiệp ước dẫn độ, nhưng trong rất nhiều trường hợp chính phủ Thụy Sĩ đã từ chối giao người cho Mỹ.
Nghi phạm lừa đảo Marc Rich là một ví dụ. Năm 1983, Rich bị truy tố tại Mỹ với hơn 50 tội danh như lừa đảo, gian lận thương mại, trốn thuế, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Quốc khi giao dịch với Iran.
Rich sau đó từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình và náu tại Thụy Sĩ. Bất chấp hiệp ước dẫn độ, Thụy Sĩ không giao người. Rich sống ung dung ở Thụy Sĩ đến năm 2001 khi được tổng thống Bill Clinton ân xá. Tuy nhiên, từ đó đến lúc qua đời năm 2013, Rich vẫn không dám trở lại Mỹ vì sợ bị truy tố những tội khác nằm ngoài lệnh ân xá.
Đạo diễn nổi tiếng người Pháp gốc Ba Lan Roman Polanski là một ví dụ khác. Năm 1977, ông bị kết tội "hiếp dâm luật định" (thường dùng để chỉ hành vi giao cấu với trẻ em) tại Mỹ sau khi quan hệ tình dục với một bé gái 13 tuổi sau một buổi chụp ảnh.
Đứng trước nguy cơ chịu án 50 năm tù giam, Polanski bỏ trốn khỏi nước Mỹ. Năm 2009 ông bị bắt tại Zurich, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, đến năm 2010, ông được thả tự do sau khi chính phủ Thụy Sĩ từ chối đề nghị dẫn độ từ Mỹ.
Đến năm 2014, chính phủ Mỹ tiếp tục đề nghị Ba Lan dẫn độ đạo diễn Polanski, sau khi ông xuất hiện trong một sự kiện ở Warsaw. Đề nghị này tiếp tục bị bác bỏ vào tháng 10/2015.
Tuy nhiên, chính phủ mới của Ba Lan, do đảng Luật pháp và Công lý nắm quyền, gần đây đã nhập hai chức vụ bộ trưởng tư pháp và công tố viên cấp cao làm một. Zbigniew Ziobro, người nắm giữ chức vụ mới này, cho biết sẽ đệ đơn nhằm thay đổi quyết định này của Ba Lan, theo Reuters. Ông Ziobro chỉ trích rằng danh tiếng của đạo diễn Polanski đã khiến ông được ưu ái.
Roman Polanski là đạo diễn nổi tiếng thế giới, ông từng dành 5 đề cử giải Oscar, 1 giải Quả cầu vàng và 1 giải Cành cọ vàng (của Liên hoan phim Cannes, Pháp). Ảnh: AFP |
Một trong yếu tố để một chính phủ cân nhắc việc dẫn độ tội phạm sang một quốc gia khác là hành vi tội phạm do nước yêu cầu đưa ra có bị xem là tội phạm ở đất nước tiếp nhận yêu cầu hay không. Trong trường hợp của Mark Rich, một trong những lý do Thụy Sĩ từ chối giao người là luật pháp Thụy Sĩ phân biệt giữa trốn thuế và tránh thuế.
Tháng 5/2015, năm quan chức FIFA bị bắt tại Zurich, Thụy Sĩ. Bộ Tư pháp Mỹ, nếu muốn dẫn độ những quan chức này về Mỹ, sẽ phải chứng minh cho phía Thụy Sĩ những tội danh các quan chức này bị cáo buộc ở Mỹ - gồm gian lận chuyển tiền, rửa tiền, trốn thuế - cũng là tội danh hình sự ở Thụy Sĩ.
Mặt khác, không phải không có hiệp ước dẫn độ thì người bị truy nã có thể ung dung tự tại sống tại đất nước mới. Uỷ ban thanh tra kỷ luật đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan chống tham nhũng của nước này, cho biết nếu không có các hiệp ước dẫn độ, chính phủ Trung Quốc sẽ dùng các biện pháp khác để đưa được người về nước. Các biện pháp này sẽ bao gồm "thuyết phục, cho hồi hương hoặc truy tố từ một nơi khác".
Trong số 738 nghi phạm đã về Trung Quốc trong năm 2015, có 41% người trở về theo dạng "được thuyết phục", tuy nhiên, cơ quan chống tham nhũng không nêu rõ biện pháp thuyết phục đối với những người này là gì, theo Time.