Cách tốt nhất...

Văn hóa - Ngày đăng : 07:36, 18/09/2016

(HNM) - Đầu tháng này, sau khi kết thúc “Điều còn mãi”, một chương trình hòa nhạc tầm quốc gia được tổ chức định kỳ, đa số ý kiến đánh giá cao buổi trình diễn này. Tuy vậy, dù thừa nhận tính nghiêm túc của chương trình nhưng một nhạc sĩ cũng chỉ ra điểm “phô” giữa ca sĩ và dàn nhạc khi chơi một tác phẩm được soạn đậm chất thính phòng. Nhạc sĩ “tóm” câu chuyện bằng lời cảm thán: “Buồn cho nhạc hàn lâm”.

Không bàn về chi tiết, đúng - sai trong cách nhận định nói trên, nhưng sự việc gợi lại cảm giác không hài lòng về đời sống của âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam - điều đã đeo đẳng giới chuyên môn suốt nhiều năm ròng, khiến những người tâm huyết dù đã cố gắng bằng nhiều cách nhưng vẫn phải thừa nhận cảnh chìm khuất của âm nhạc bác học so với các dòng nhạc khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này. Do thị hiếu, do sáng tác, do dòng nhạc này kén người nghe… Nhưng dù gì thì cũng không thể phủ nhận rằng chúng ta đầu tư cho nhạc hàn lâm chưa đủ để tạo ra sự thay đổi căn bản - cả trên phương diện sáng tác, tổ chức biểu diễn và quảng bá. Đó là nguyên nhân chủ yếu, chứ không hẳn là “người Việt Nam không quen nghe nhạc cổ điển”, “các nhạc sĩ chạy theo thị hiếu của số đông, chọn giao hưởng thính phòng thì lấy gì để sống” như có ý kiến khẳng định.

Ở ta, trước nay không thiếu nhạc sĩ đủ khả năng soạn ra những bản tổng phổ nhiều chương. Vấn đề là kỳ công soạn thảo rồi để làm gì khi cá nhân và hội nghề nghiệp không đủ khả năng tài chính để tự tổ chức dàn dựng, biểu diễn những tác phẩm đòi hỏi “tiền tấn” và sự tham gia của cả một dàn nhạc lớn? Những đơn đặt hàng tác phẩm khí nhạc cho những kỳ cuộc lớn có ý nghĩa ngắn hạn, tác phẩm dùng xong lại lâm cảnh “cất kho” bởi không có tiền chi cho việc diễn thường xuyên.

Âm nhạc bác học là cốt cách, là bộ mặt của nền âm nhạc, không thể không nghĩ cách đầu tư thỏa đáng, cả về đào tạo, sáng tác, trình diễn. Trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực đầu tư từ Nhà nước còn gặp khó khăn, cách tốt nhất là thúc đẩy xã hội hóa. Những chương trình hòa nhạc đã tạo ấn tượng tốt trong thời gian qua như “Điều còn mãi”, hòa nhạc Toyota, Hennessy là bằng chứng cho thấy giải pháp xã hội hóa tổ chức biểu diễn dòng nhạc này có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Nó cũng khẳng định một điều quan trọng khác rằng không phải người Việt không còn quan tâm thể loại này.

Người Lái Đò