Người dân đồng bằng sông Cửu Long lao đao chờ lũ
Đời sống - Ngày đăng : 10:47, 18/09/2016
Vài năm nay lũ không về, nguồn cá tôm ngày càng khan hiếm. Cuộc sống của những người dân Đồng bằng sông Cửu Long vốn phụ thuộc vào đánh bắt cá tôm mưu sinh nay càng cơ cực.
|
Từ trên cao, dòng nước lũ chỉ loang loáng mặt ruộng đồng. Với mực nước này thì chẳng có loài cá nào từ phía thượng nguồn theo con nước về đây khiến nguồn thu từ việc khai thác đánh bắt thủy sản suy giảm đáng kể. |
Ông Dương Văn Hoàng, 61 tuổi là một trong những người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá tại xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng (Long An) nhiều năm nay. Ông Hoàng cho biết, kể từ bé đến nay, chưa từng thấy khi nào khó khăn như 2 năm nay. Bình thường, cứ đến tầm tháng 7 âm lịch hàng năm là lũ về, cá tôm đầy đồng ruộng. Ông thường đặt lợp ở ruộng để đánh bắt cá tôm. Nhưng nay lũ không về, đồng ruộng không có nước nên ông tận dụng ở bất cứ đâu có nước là đặt lợp, thậm chí cả kênh tưới tiêu.
“Mỗi ngày tôi đặt 200 cái lợp, 2 ngày thu một lần nhưng chỉ thu về được 2 - 3 kí cá, giá bán được 80.000 đồng/kí. Trong khi đó, trước đây lũ về, mỗi ngày tôi bắt được 20 – 40kí tôm cá/ngày”, ông Hoàng cho biết.
Lũ không về, cuộc sống nhiều người dân phụ thuộc vào lũ trở nên lao đao. Khi chúng tôi đến ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng, Long An), ông Lê Văn Lớn (62 tuổi) đang ngồi đập những bao lúa mót từ những ruộng lúa đã thu hoạch. Ông Lớn cho biết, hiện nhà chỉ có 2 vợ chồng già, vợ ông đau ốm, đi lại còn khó khăn nên không làm được việc gì để kiếm tiền. Bản thân ông cũng ốm yếu, chủ yếu sinh sống nhờ đánh bắt cá vào mùa lũ. Nhưng mấy năm nay không có lũ, cuộc sống ngày càng cơ cực. Không có cái ăn, ông phải ra đồng thu nhặt lúa chéc từ ruộng đồng đã thu hoạch. Mỗi ngày ông thu được 3-4 bao bông, đập ra được 1 bao lúa, nhưng toàn là lúa lép nên cũng chỉ được vài kí gạo sống qua ngày.
|
Ông Lê Văn Lớn (62 tuổi) ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng, Long An) đang ngồi đập những bao lúa mót từ những ruộng lúa đã thu hoạch. |
“Hồi trước có lũ tôi đi đánh bắt cá bán, người dân nghèo như tôi chỉ dựa vào lũ mà sống, mỗi ngày cũng được 100.000 đồng. Nay không có lũ, không làm được gì. Cả tháng nay tôi cứ phấp phỏng chờ lũ về. Vợ ốm đau mua thuốc 20-30.000 đồng cũng phải sang vay hàng xóm, cơ cực lắm”, ông Lớn ngậm ngùi cho biết.
Không chỉ đời sống khó khăn, lũ không về, không có phù sa bồi đắp nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Nhiều tháng nay, nhiều hộ dân tại Ấp 3, xã An Phong (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) sống trong tình trạng phấp phỏng khi tình trạng sạt lở ngày càng mạnh. Chị Phạm Thị Kiều Nhi cho biết, từ năm ngoái đến năm nay sạt lở ngày càng mạnh. Nhiều nhà đã phải di dời đi nơi khác. Nhà chị trước đây ở cách mép sông 20 mét. Sau khi căn nhà chính bị cuốn trôi, đã dựng một căn nhà tạm cách mép sông khoảng 5 mét nhưng giờ chỉ còn cách hơn 1 mét.
“Đêm là hai vợ chồng phải thay nhau thức để “canh” vì nhà có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Con trai tôi 6 tuổi cứ tối là phải gửi lên nhà ông bà nội vì sợ nhà sạt, trẻ nhỏ không chạy kịp”, chị Nhi lo lắng.
Chị Nhi cho biết thêm, nhà chị đã trình lên ấp tình trạng sạt lở và mong muốn được di dời nhưng lãnh đạo ấp trả lời rằng nhà chị mới cất được 6 -7 năm nên chưa thể di dời được. Nhưng với tình trạng như hiện nay, dự tính chưa đến nửa tháng nữa nhà chị sẽ bị "hà bá" cuốn trôi.
|
Một nông dân đang cố gắng giăng lưới trên thửa ruộng ngập nước lũ. |
|
Trong khi đó, nhiều nông dân khác buộc lòng phải chọn phương án quăng lưới đánh cá trên các dòng kênh để khai thác thủy sản tự nhiên. Anh Ngô Minh Hiếu, đang quăng lưới tại kênh Tứ Thường 2 đoạn chảy qua ấp 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. |
|
Ông Ba Hoàng, ngụ tại ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đang ngồi sửa lại dớn bắt cá và cho biết mùa lũ năm nay, lượng cá đánh bắt được chỉ vào khoảng 2 – 3 ký mỗi ngày. Trong khi vào mùa lũ những năm trước đây, mỗi ngày họ có thể khai thác từ vài chục ký đến cả trăm ký cá tự nhiên. |
|
Ngư cụ đánh cá xếp trong nhà chờ lũ về. |
|
Không có các loài cá tự nhiên theo dòng nước lũ đổ về, những hộ dân nuôi cá lóc tại các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Đại phải mua cá tạp để làm thức ăn cho cá ở trên huyện Tân Hưng với giá 12 ngàn đồng/ký. |