“Giữ sạch đẹp nơi mình sống, cớ gì phải đắn đo…!”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 18/09/2016

(HNM) - Không một đồng tiền công, hơn mười năm qua ông Nguyễn Văn Minh, 75 tuổi, ngụ tại số nhà 328/56, Khu tập thể Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) làm công việc tưởng như chỉ là “muối bỏ biển”: Bóc dỡ quảng cáo, rao vặt trái quy định trên nhiều tuyến phố.

Người “tuyên chiến” với “rác trên tường”

Phường Thanh Xuân Trung có địa bàn rộng, dân cư đông, tập trung nhiều học sinh, sinh viên, lao động ngoại tỉnh. Nhịp sống ở đây sôi động song nơi nọ nơi kia cũng khó tránh khỏi những nhếch nhác, xô bồ. Trong đó, đáng kể là quảng cáo, rao vặt, xuất hiện trên nhiều tuyến phố, len lỏi ở các ngõ ngách khu dân cư… Dù đã áp dụng không ít giải pháp nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Phút nghỉ ngơi của ông Minh - người “tuyên chiến” với “rác trên tường”.


Căn nhà ông Nguyễn Văn Minh - một cán bộ hưu trí sinh sống cùng con cháu - nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc khu tập thể Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Kể từ khi nghỉ hưu, ngoài gia đình, việc làng, việc họ… ông Minh còn kiêm thêm một nhiệm vụ không công, ai nghe qua cũng thấy “lạ tai” là đi bóc dỡ quảng cáo, rao vặt trên đường. Và ông làm vậy bền bỉ suốt hơn mười năm qua. Hoàn cảnh dẫn tới công việc “trời ơi” này, như ông chia sẻ, cũng giản đơn như chính hành động của ông vậy...

“Một lần ngồi nhà xem tivi, tôi thấy có du khách nước ngoài phát biểu thích vẻ đẹp thanh bình đặc trưng của Hà Nội nhưng cũng thấy ngán ngẩm cảnh rác tràn lòng đường, bờ tường, gốc cây, cột điện…, đi đâu cũng gặp...” - Ông Minh nhớ lại: “Tôi tự ái và xấu hổ khi nghe vậy. Rồi tôi lo, nếu cứ đà này thì cảnh quan thành phố nơi tôi sống sẽ đi về đâu? Xấu hổ, tự ái suông liệu có ích gì? Suốt cả ngày tôi chỉ xoay quanh câu hỏi mình có thể làm gì để khắc phục điều đó?”.

Sau một thời gian nghĩ cách, ông Minh quyết định bước vào "hành trình" bóc dỡ quảng cáo, rao vặt trên tuyến đường gần nơi gia đình sinh sống. Mỗi ngày, ông làm hai ca, sáng từ 9h đến 11h, chiều từ 16h đến khi nhá nhem tối. Ông làm vậy với tất cả quyết tâm, sự kiên định của một người yêu Hà Nội.

Khơi gợi tinh thần vì cộng đồng

Ông Minh hồ hởi kể: “Mỗi ngày tôi “đi làm” 2 buổi. Sáng chuyên những quảng cáo, rao vặt có thể bóc bằng tay không, những mẩu thông tin vừa mới được dán từ tờ mờ sáng, còn chưa kịp “ăn nền”. Những trường hợp khó giải quyết hơn như tấm quảng cáo lớn, có sử dụng keo dán công nghiệp đặc chủng hoặc được giằng, buộc cố định bằng dây sắt, thép…, tôi sẽ đánh dấu vào sổ để chiều mang theo dụng cụ xử lý. Cứ thế, mỗi ngày 3-5 cây số, vừa thủng thẳng đi bộ thể dục vừa làm việc".

Vui chuyện, ông mang những đồ nghề mình tự chế và sưu tầm được trong từng đó năm bóc dỡ "rác tường" ra khoe: Một con dao nhỏ mài sắc hai đầu, cây sào, cái móc, kìm bấm… Ông bảo: “Cái nào cũng có việc của nó hết. Con dao này để đặc trị những quảng cáo “cứng đầu”. Cây sào, cái móc để lôi những tấm quảng cáo trên cao xuống, kìm để cắt dây kim loại… Trang bị đến vậy mà nhiều lúc tôi vẫn phải bỏ cuộc vì người ta giằng buộc cao quá, kỹ quá, kiên cố quá, sức mình làm không nổi. Chưa kể, hôm nay dọn xong, ngày mai thôi mọi thứ lại đâu vào đấy…”.

Khó khăn trong công việc ông Minh đang dấn thân không chỉ dừng lại có thế! Đã không ít lần ông bị người đi đường tọc mạch dò hỏi, trêu đùa... Nhiều lần khác, ông bị chính những đối tượng “hành nghề” quảng cáo, rao vặt chửi bới, hăm dọa. Ông bảo: “Ai nói gì tôi kệ. Mình biết việc mình làm. Có điều khi người ta nói quá, tôi cũng từ tốn giải thích. Cũng may, vì mình dọn rác ban ngày ban mặt, ở chỗ đông người qua lại và người ta cũng tự biết việc họ làm không đúng, không được phép nên cũng chẳng dám động chân, động tay”.

Ông thấy may nhưng con cái của ông thì chẳng thể yên lòng được. Một vài lần cả nhà họp lại, vận động ông bớt tham công, tiếc việc để giữ gìn sức khỏe cũng như tránh gây xung đột, rồi có khi bị trả thù. Những lúc đó, ông lại phải tìm cách trấn an mọi người. Giải thích cho sự quyết liệt theo đuổi công việc dường như chẳng biết bao giờ kết thúc này của mình, ông Minh bày tỏ: “Tôi biết việc mình làm chỉ như “dã tràng xe cát”, như “muối bỏ biển” nhưng làm chắc chắn vẫn hơn chẳng làm gì cả! Tôi cũng biết sẽ có ngày sức mình chẳng còn kham nổi nhưng… khi đó hẵng hay! Còn giờ tôi cứ "trường kỳ kháng chiến". Sạch đẹp được đoạn đường, góc phố nào là mừng cho nơi ấy. Cứ lao động thật tâm rồi sẽ được hưởng niềm vui ngắm lại thành quả trên quãng đường về”.

Quyết tâm ấy của ông Minh đã "tạc" nên hình ảnh quen thuộc trong lòng nhiều người dân trên con đường Nguyễn Trãi về “một ông già đầu đội mũ vải, mình vận bộ quần áo bộ đội bạc màu, ngày hai buổi lúi húi dọn rác tường” suốt chặng đường từ Ngã Tư Sở tới ngã tư Khuất Duy Tiến. Cũng như ông Minh, nhiều người lao động trên tuyến phố này như anh xe ôm, cô hàng trà đá… đã trở nên thân quen với nhiều người dân. Đó là những người thường chia sẻ công việc với ông bằng việc thấy quảng cáo, rao vặt là bóc, gỡ hoặc sẵn lòng nhắc nhở mỗi khi thấy ai đó định dán trộm quảng cáo. Cô Nguyễn Thị Hạnh, bán hàng trong Khu tập thể Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chia sẻ: “Chúng tôi phục ông lắm. Lúc đầu tưởng ông rỗi việc, làm cho vui, được thời gian sẽ chán vì nói thật là làm sao cho xuể. Có người còn đánh cược ông sẽ bỏ cuộc sớm nữa. Ai ngờ kẽo kẹt từ đó tới giờ, ông vẫn ngày ngày trên đường chẳng thấy giảm sút chút nhiệt tình, hăng hái nào cả. Giờ chỉ mong Nhà nước có nhiều biện pháp để xử lý người vi phạm, rồi người người cùng vào cuộc thì mới hy vọng đẩy lùi được thứ rác này và việc làm của ông Minh cũng không còn quá sức như hiện nay”.

Và trong lúc chờ đợi những giải pháp mạnh như trên thì ông già hưu trí Nguyễn Văn Minh vẫn hằng ngày kiên trì thả bộ trên phố, ngó từng gốc cây, cột đèn… tìm kiếm quảng cáo, rao vặt để bóc dỡ với quyết tâm giữ sạch, đẹp thành phố nơi mình sống. Việc làm dù “chẳng có gì to tát” nhưng lại đang mỗi ngày bền bỉ khơi gợi ở mỗi người ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng.

Thanh Thủy