Hàng chục chiến đấu cơ Trung Quốc và Mỹ “chạm trán nguy hiểm”

Thế giới - Ngày đăng : 14:20, 19/09/2016

Trong cuộc tao ngộ lần đầu xảy ra ở vùng trời phía trên Eo biển Bashi này, theo tờ Up Media của Đài Loan (Trung Quốc), tình huống nguy hiểm đã xuất hiện.

Máy bay ném bom chiến lược K-6K của Trung Quốc mang theo tên lửa hành trình AKD-20 tới Tây Thái Bình Dương. Ảnh: weibo


Báo Up Media cho biết vào khoảng 7 giờ sáng ngày 12/9, một trạm radar quân sự của Đài Loan phát hiện có hơn 10 chiếc máy bay chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lần lượt cất cánh từ sân bay ở khu vực Huệ Dương thuộc tỉnh Quảng Đông, bay về hướng Eo biển Bashi.

Theo thông tin mà Trung tâm Chỉ huy Hành Sơn và Trung tâm Tác chiến Không quân Đài Loan nhận được, nhưng chiếc máy bay này vừa được điều chuyển từ phía Bắc Thượng Hải tới Huệ Dương, vốn được nhìn nhận như một phần binh lực tham gia diễn tập “Liên hợp trên biển-2016” giữa Nga và Trung Quốc ở vùng biển phía Đông thành phố Trạm Giang.

Tuy nhiên, những chiếc máy bay chiến đấu này không bay về phía Nam mà lại bay về phía Đông Eo biển Bashi, cho thấy chúng không phải là lực lượng tham gia diễn tập “Liên hợp trên biển-2016”.

Tình huống xảy ra, Trung tâm Tác chiến Không quân Đài Loan hạ lệnh cho các máy bay chiến đấu Kinh Quốc (Ching-kuo) và F-16 khẩn cấp cất cánh làm nhiệm vụ cảnh giới và giám sát hoạt động của các máy bay đến từ Trung Quốc Đại lục.

Phân tích dữ liệu tình báo sau đó cho thấy nhóm máy bay của Trung Quốc Đại lục gồm các máy bay: tác chiến đa nhiệm Su-30MKK, ném bom chiến lược K-6 và K-6K, tiêm kích hộ tống J-11B, trinh sát điện tử Tu-135, ảnh báo sớm KJ-200 và tiếp dầu trên không Il-78.

Trước một lực lượng tinh nhuệ và đông đảo như vậy, Trung tâm Tác chiến Không quân Đài Loan quyết định tăng cường thêm một số máy bay chiến đấu F-16 cho nhiệm vụ cảnh giới và giám sát.

Nguồn tin của tờ Up Media cho hay khi tình huống nêu trên xảy ra, tàu khu trục tên lửa USS Spruance (DDG-111) của Hải quân Mỹ đang trên đường trở về căn cứ ở Nhật Bản sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Máy bay trực thăng MH-60R cất cánh từ tàu khu trục DDG-111 hoạt động trên Biển Đông.
Ảnh: US Navy


Phát hiện có hơn 10 máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay về phía Eo biển Bashi, tàu USS Spruance lập tức phát lệnh yểm hộ trên không và 8 chiếc máy bay chiến đấu F-15 và 2 chiếc máy bay trinh sát điện tử RC-135 đã khẩn cấp rời sân bay ở căn cứ Naha (Nhật Bản) bay về phía đảo Orchid.

Theo nguồn tin, vào lúc 7 giờ 25 phút, máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc không bay theo đội hình, chỉ bay quanh vùng trời phía trên, giáp với Eo biển Bashi và khi phát hiện có máy bay Mỹ, những chiếc Su-30 của Trung Quốc Đại lục lập tức lao ra ra cảnh giới. Khi tiếp cận nhau ở vùng trời phía trên đảo Orchid, hai bên liền áp dụng chiến thuật chiếm độ cao để chiếm ưu thế với những cú ngoặt gấp.

Sau đó, máy bay chiến đấu của Mỹ không có thêm hành động tiếp cận nào, máy bay Không quân PLA cũng rút khỏi khu vực. Cuối cùng, hai bên chỉ sử dụng máy bay trinh sát để cảnh giới rồi lần lượt bay về hướng Bắc và hướng Đông, kết thúc sự kiện “tao ngộ nguy hiểm” trên không.

Thông tin của tờ Up Media trưa nay (19/9) được một loạt tờ báo tiếng Hoa nổi tiếng ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục như Đa chiều, Phượng Hoàng đăng tải lại, nhưng chưa có sự xác nhận chính thức của cả ba bên liên quan.

Trong một diễn biến đáng quan tâm, theo Tân Hoa xã tối 12/9, người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho biết cùng ngày Không quân PLA đã tổ chức biên đội đa loại hình máy bay chiến đấu gồm: máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay tiếp dầu trên không… bay qua Eo biển Bashi tới Tây Thái Bình Dương triển khai huấn luyện, nhằm thông qua huấn luyện để nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo đảm cho sự nghiệp phát triển hòa bình.

Cùng ngày, tài khoản weibo (mạng xã hội ở Trung Quốc giống Twitter của Mỹ) lần đầu tiên công bố việc máy bay ném bom chiến lược K-6K mang theo tên lửa hành trình AKD-20. Động thái này được một số cơ quan truyền thông nhìn nhận chỉ nhằm một mục đích duy nhất là răn đe tàu sân bay của Mỹ.

Theo Tin tức