Bài đầu: Tỷ lệ thấp, khó nhân rộng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 19/09/2016

(HNM) - Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, nông dân Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều loại máy móc để thay thế lao động thủ công, giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận, tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn...

LTS: Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, nông dân Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều loại máy móc để thay thế lao động thủ công, giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận, tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội được đánh giá là chưa có sự bứt phá, đòi hỏi thời gian tới phải có nhiều giải pháp đồng bộ về tích tụ ruộng đất, cơ chế hỗ trợ vốn vay, lãi suất…

Bài đầu: Tỷ lệ thấp, khó nhân rộng

Đi đôi với thực hiện dồn điền, đổi thửa, Hà Nội đẩy mạnh đưa cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, CGH còn rời rạc, mới dừng ở từng khâu, từng công đoạn. Đặc biệt, tỷ lệ CGH còn thấp, dẫn tới khó nhân rộng trên thực tế...

Người dân xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) sử dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Rời rạc, chắp vá

Vào những ngày mùa, trên các cánh đồng của huyện Phúc Thọ, hình ảnh người nông dân sử dụng máy làm đất, thu hoạch nông sản, tưới tiêu tự động đã trở nên quen thuộc… Phúc Thọ là một trong những huyện nằm trong tốp đầu của TP Hà Nội trong ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là nhiều huyện khác và không chỉ "bao sân" CGH ở đồng ruộng địa phương, mà có huyện như Phú Xuyên còn mang máy móc sang tận tỉnh Hưng Yên giúp người nông dân làm đất, tạo thêm nguồn thu từ dịch vụ này.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng rõ nét ấy, bức tranh CGH nông nghiệp ở Thủ đô vẫn còn khá nhiều chỗ chưa hoàn thiện. Nổi lên rõ nhất là sự thiếu đồng bộ ở ngay cả những địa phương thuộc loại dẫn đầu. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú thừa nhận, CGH trong nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện vẫn thiếu đồng bộ, chủ yếu mới dừng lại ở khâu làm đất. Toàn huyện có 500 máy làm đất, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất đạt 100%; trong khâu gieo cấy mới đạt gần 10%, khâu thu hoạch đạt từ 40 đến 45%. “Thực tế thời gian qua, Phúc Thọ đã nỗ lực rất lớn trong triển khai chương trình hỗ trợ đưa CGH vào nông nghiệp. Đưa CGH vào sản xuất đã giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận so với phương pháp canh tác truyền thống, nhưng vẫn chỉ tập trung ở một số khâu trong trồng trọt, riêng lĩnh vực chăn nuôi chưa có nhiều thay đổi” - ông Hoàng Mạnh Phú cho biết.

Khái quát rộng hơn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lưu Văn Cầu nhận xét: Không riêng Phúc Thọ mà hầu hết các huyện, thị xã của Hà Nội, việc CGH mới dừng ở một số khâu. Ví như, trong trồng trọt, mới CGH được 4 khâu, chăn nuôi 5 khâu.

Những con số thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện “Chương trình phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội, giai đoạn 2013-2016”, mức độ CGH trên toàn thành phố vẫn còn rất khiêm tốn. Cụ thể, trong trồng trọt: Tỷ lệ CGH khâu làm đất tăng cao nhất, đạt 95% diện tích; diện tích gặt bằng máy đạt 45,5%; diện tích phun thuốc trừ sâu bằng máy đạt 28,8%; gieo cấy lúa bằng máy chỉ đạt 2,45%. Còn lĩnh vực chăn nuôi, tỷ lệ CGH trong khâu vắt sữa bò sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%. Trong khi đó, CGH trong chăn nuôi lợn, gà, nuôi thủy sản vẫn khá thấp, đơn cử, khâu làm mát chuồng lợn chỉ đạt 11,5%, gà đạt 23,2%...

Cái khó nhất hiện nay trong nhân rộng CGH là gì? Câu hỏi này được ông Lưu Văn Cầu lý giải, đó là do sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ, tính hợp tác thấp; cùng với đó là do tính năng của máy, thiết bị CGH chưa đa dạng, nên việc đầu tư CGH gặp nhiều hạn chế, nhất là các loại máy có công suất lớn.

Nông dân tự lo

Hiệu quả của CGH trong sản xuất nông nghiệp có thể nói là khá rõ nét. Kể từ thời điểm triển khai thực hiện chương trình phát triển CGH nông nghiệp đến nay, năng suất cây trồng, vật nuôi hằng năm của Hà Nội có mức tăng đáng kể, chi phí sản xuất giảm từ 0,7 đến 2,8 triệu đồng/ha/vụ, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm từ 2 đến 3%... Việc đưa CGH vào đồng ruộng đem lại lợi ích lớn cho người nông dân. Tuy vậy, chương trình đang gặp một số khó khăn do chính sách hỗ trợ chưa sát với thực tế.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, "nút thắt" đầu tiên là về chính sách tín dụng. Theo quy định, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn tối đa là 36 tháng. 3 năm qua, có 120 nông hộ vay vốn ngân hàng mua 138 máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, ngân sách mới hỗ trợ lãi suất ngân hàng 2 năm (2013-2014) cho 92 hộ với kinh phí hỗ trợ gần 2,3 tỷ đồng. Sự chậm trễ này khiến các hợp tác xã, hộ nông dân không mặn mà với chính sách hỗ trợ của thành phố.

Vẫn là "nút thắt" chính sách tín dụng, ở góc độ người đi vay, bà Đào Thị Vinh, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ cho biết: "Nhiều nông dân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nhưng vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản để thế chấp ngân hàng. Chưa kể, thủ tục vay vốn còn rườm rà, cần có giấy chứng nhận mua máy, có hóa đơn đỏ... Nếu có đủ tiền để tự mua máy thì nông dân đâu cần Nhà nước hỗ trợ”.

Một cản trở khác là chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp. Trung ương và thành phố đã có chính sách hỗ trợ CGH trong chăn nuôi, nhưng theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, việc triển khai rất lúng túng do hộ chăn nuôi thiếu giấy chứng nhận trang trại, giấy chứng nhận VietGAP và các tiêu chí kỹ thuật khác. Còn ông Lê Văn Thông, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên ví von sự khó khăn khi tiếp cận nguồn hỗ trợ này: "Để tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ ngân sách, nông dân phải “bơi” qua hàng loạt các quy định, tiêu chí..."!

Rõ ràng, vẫn còn một khoảng cách khá xa từ chính sách đến thực tiễn và nếu không có đột phá về chính sách thì rất khó nhân rộng việc đưa máy móc, thiết bị tiên tiến vào hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

(Còn nữa)

Đỗ Minh