Phải loại bỏ ngay “cơ chế mềm”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 19/09/2016

(HNM) - Tại hội thảo vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại các dự án BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) diễn ra mới đây tại Hà Nội, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong chính sách quản lý dự án BOT.

Câu chuyện được chú ý nhất là theo quy định hiện hành, khoảng cách giữa các trạm thu phí đường bộ tối thiểu là 70km. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại đưa thêm “cơ chế mềm”, nếu khoảng cách dưới 70km thì nhà đầu tư có thể thỏa thuận với chính quyền sở tại để xin đặt trạm. Theo KTNN, “cơ chế mềm” hay “cơ chế xin - cho” này cần phải được bỏ ngay, bởi đây chính là mảnh đất khiến sai phạm nảy sinh tại các dự án BOT.

Những bất cập mà KTNN nêu đã thể hiện khá rõ tại các dự án BOT hiện nay. Việc các trạm thu phí được đặt quá gần nhau chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, trong khi người dân, doanh nghiệp tham gia giao thông phải oằn mình cõng phí nhiều khi ở mức "trên trời", trong khi chất lượng đường sá chưa tương xứng. Cũng vì "cơ chế mềm" này mà nhiều nơi trạm thu phí đặt tại điểm "độc đạo" người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nộp phí để đi qua hằng ngày.

Việc quản lý lỏng lẻo như hiện nay khiến ý nghĩa phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế của các dự án BOT giao thông không còn như ban đầu. Để giải quyết bất cập, phải có một cơ quan giám sát độc lập đứng ra thanh tra, kiểm soát các dự án BOT. Trên thực tế, các bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Xây dựng đều có thanh tra chuyên ngành, giám sát các dự án BOT. Tuy nhiên, ít nhiều các bộ này đều tham gia trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư hay phê duyệt dự án. Trong khi, các bất cập tại những dự án BOT đòi hỏi một cơ quan giám sát toàn diện, độc lập. KTNN với chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ là cơ quan giám sát phù hợp. Việc xem xét, kiến nghị xử lý theo pháp luật những người thi hành công vụ lơ là, thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tại các dự án BOT cũng cần được lưu ý, bởi nếu không xử phạt nghiêm, sai phạm sẽ tiếp tục nảy sinh.

Trước mắt, một trong những vấn đề cần giải quyết ngay là các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh lại cự ly các trạm thu phí, kiên quyết dừng các dự án BOT chưa thực sự cấp bách. Trong hoàn cảnh nào cũng phải có quốc lộ song song để người dân lựa chọn đi đường phải trả phí (chất lượng tốt hơn, nhanh hơn), hoặc không phải trả phí (đường cũ, nhỏ, hẹp hơn, tốc độ chậm hơn) nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, tất cả các dự án BOT phải quyết toán xong mới được thu phí, tránh việc dự án vừa làm vừa thu phí, thiếu minh bạch, gây bức xúc dư luận.

Kính Lúp