Tăng chỉ số cải cách hành chính: Còn nhiều việc phải làm

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 20/09/2016

(HNM) - Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) cấp tỉnh năm 2015 do Bộ Nội vụ công bố, Hà Nội xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 6 bậc so với năm 2014). Điều này cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính (CCHC), song Hà Nội còn nhiều việc phải làm, nhất là trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.Ảnh: Viết Thành


Hà Nội là một trong 23 tỉnh, thành phố đạt số điểm tuyệt đối (100%) ở chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC - chỉ số thành phần này được đánh giá dựa trên 2 tiêu chí: Rà soát, đánh giá, cập nhật TTHC và công khai TTHC). Trong một số chỉ số thành phần, Hà Nội nằm trong nhóm đứng đầu như: Chỉ đạo điều hành CCHC (93,60%); Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (93,13%); Cải cách tổ chức bộ máy (91,99%). Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (90,11%).

Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn duy trì được chỉ số của lĩnh vực cải cách TTHC bằng với năm 2014. Một số lĩnh vực tăng nhẹ là: Cải cách tổ chức bộ máy 99,99% (năm 2014 là 91,69%); Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) 74,75% (năm 2014 là 70,96%). Còn lại, các lĩnh vực khác đều giảm: Chỉ đạo điều hành 93,60% (năm 2014 là 96,56%); Đổi mới cơ chế tài chính 86,56% (năm 2014 là 92,01%); Hiện đại hóa hành chính 84,96% (năm 2014 là 93,44%) và cơ chế một cửa, một cửa liên thông 90,11% (năm 2014 là 93,71%).

Trên bình diện chung, qua 4 năm triển khai Chỉ số CCHC thì chỉ số thành phần lĩnh vực “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC” luôn đứng ở vị trí cuối cùng, thấp điểm nhất so với 7 chỉ số thành phần khác. Hải Phòng và Đà Nẵng là 2 đơn vị dẫn đầu ở nội dung này có kết quả lần lượt là 79,55% và 78,57%. Trong khi Hà Nội đạt chỉ số 74,75% ở nội dung này (cao hơn năm 2012, 2013 và 2014), xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù, thành phố đã rất chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC như đổi mới công tác tuyển dụng công chức; tổ chức các lớp đào tạo thí điểm công chức nguồn làm việc tại các xã, phường, thị trấn; nâng cao thái độ, tác phong thực thi công vụ… nhưng điểm điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ về lĩnh vực này của Hà Nội lại giảm so với năm 2013 và 2014.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, điểm điều tra xã hội học thấp là do sự cảm nhận, bức xúc của người dân liên quan đến các vụ việc phát sinh trong năm 2015 như việc cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố; vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại dự án số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình. Song, cũng phải nhìn nhận thực tế, trong giao tiếp, giải quyết hồ sơ hành chính, có lúc, có nơi cán bộ còn chưa nhiệt tình, chưa làm hết trách nhiệm với công việc nên vẫn còn những lời phàn nàn của người dân. Điều này cũng đã được phát hiện qua các cuộc kiểm tra, giám sát của thành phố, sở, ngành, quận, huyện.

Đáng chú ý, chỉ số thành phần lĩnh vực “cơ chế một cửa, một cửa liên thông” của Hà Nội giảm liên tục qua các năm. Từ chỗ đạt 95,33% năm 2012, 94,96% năm 2013, 93,73% năm 2014, đến năm 2015 chỉ đạt 90,11%. Nguyên nhân là do đạt điểm thấp ở 2 tiêu chí thành phần: “Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, mức độ hiện đại hóa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp” và “Chất lượng phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”.

Trong 5 thành phố trực thuộc TƯ, Hà Nội cũng chỉ đạt 42% tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “Tốt” về thái độ phục vụ của công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Đà Nẵng là 93%, Hải Phòng là 84%, TP Hồ Chí Minh 62%. Hà Nội cũng là địa phương duy nhất trong 5 thành phố trực thuộc TƯ bị doanh nghiệp đánh giá “kém” về thái độ phục vụ của công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với tỷ lệ là 2%. Tương tự, về tỷ lệ người dân đánh giá về thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Hà Nội có 78,15% đánh giá “tốt” (cũng đứng sau Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh) và có tỷ lệ đánh giá “trung bình” cao nhất trong 5 thành phố (cả 5 thành phố không có đánh giá “kém”).

Như vậy, dù một số lĩnh vực đạt kết quả cao, song Hà Nội vẫn cần cải thiện những lĩnh vực, nhất là nội dung phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đầu năm 2016 đến nay, với quyết tâm cao độ nhằm thay đổi định kiến lâu nay của doanh nghiệp, người dân về thái độ phục vụ của các cơ quan công quyền, Hà Nội tập trung kiện toàn, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, đơn giản các TTHC.

Thành phố đã đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, gắn với tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết những vấn đề "nóng", tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, thành phố quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần năm rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính phục vụ. Thành phố phấn đấu là địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử. Hy vọng, với những nỗ lực của các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở, Hà Nội sẽ cải thiện chỉ số CCHC trong năm 2016.

Phong Thu