Tạo đà bứt phá ngay từ đầu năm
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 28/01/2023
Nền tảng vững chắc
Nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2022 có thể nhận thấy, ngành Bảo hiểm xã hội có nền tảng vững chắc để tiếp tục bứt phá. Đáng chú ý, chính sách bảo hiểm y tế đã thu hút được 91,1 triệu người dân tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021. Đây là một trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành vượt kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chính sách bảo hiểm xã hội cũng duy trì đà tăng với 17,5 triệu người có tên trên hệ thống an sinh, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 950.000 người so với thời điểm cuối năm 2021. Bảo hiểm thất nghiệp có 14,3 triệu người tham gia, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi...
Nhờ có điểm tựa an sinh, nhiều người, nhiều gia đình đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân N.M.A, trú tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) không may mắc chứng Fallot (một bệnh về tim mạch bẩm sinh), thường xuyên điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị hơn 600 triệu đồng trong năm 2022. Hiện sức khỏe của N.M.A chuyển biến tích cực.
Không riêng trường hợp nêu trên, năm vừa qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho 956.000 người hưởng mới các chính sách; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 151,4 triệu lượt người hưởng bảo hiểm y tế… Tổng số tiền chi trả cho người hưởng các chế độ lên đến hơn 382.000 tỷ đồng.
Dưới góc nhìn khách quan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý cho rằng, kết quả đạt được của ngành Bảo hiểm xã hội thời gian qua không chỉ thể hiện ở những con số “biết nói”, mà còn được đo bởi mức độ hài lòng, tin tưởng của người dân, doanh nghiệp.
Chủ động bứt phá
Từ nền tảng đã có, năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung phát triển số người tham gia song hành với nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Để các chính sách đến với nhiều người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát động phong trào thi đua lao động, sáng tạo, yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên của ngành làm việc với tinh thần: “Đoàn kết - Kỷ cương - Linh hoạt - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”. Bảo hiểm xã hội ở địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào kế hoạch, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...
Tại Hà Nội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, các cơ quan chức năng đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố có cơ chế sử dụng tài chính từ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế cao hơn quy định chung cho học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông, lâm nghiệp… có mức sống trung bình. Ngoài ra, Hà Nội khuyến khích các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Cách làm của Hà Nội cũng là hướng đi của nhiều tỉnh, thành phố khác.
Về nhiệm vụ nâng cao chất lượng phục vụ, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; kết nối, liên thông hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm…, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch.
Đặc biệt, việc bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Trong đó, giải pháp trọng tâm là đôn đốc thu, giảm nợ; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, giám sát chặt chẽ các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có mức chi bất thường… Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, tinh thần quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu của năm 2023 được ngành thể hiện rõ từ những ngày đầu năm khi hệ thống Bảo hiểm xã hội vẫn hoạt động thông suốt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, giải quyết kịp thời các chế độ, thủ tục cho người dân. Với đà này, những mục tiêu quan trọng như cả nước có 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội ở mức dưới 2,91% so với tổng số tiền cần thu… sẽ được hiện thực hóa.