Quá tải bệnh viện: “Căn bệnh” nan y! (bài 1)
Xã hội - Ngày đăng : 06:06, 21/09/2016
Bài đầu: Không nằm ghép: Khó khả thi!
Cùng với hàng loạt kế hoạch, biện pháp khác nhau được triển khai quyết liệt trong thời gian vừa qua, thể hiện quyết tâm giảm tải, Bộ Y tế cũng triển khai việc thực hiện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép tại các BV. Trong bối cảnh cơ sở vật chất của Ngành Y tế còn hạn chế, việc ký cam kết giảm tải này sẽ chỉ mang tính hình thức nếu không có giải pháp khả thi theo kèm. Khảo sát tại các BV lớn ở Hà Nội như BV Phụ sản trung ương, BV K, BV Bạch Mai…, không khó gặp cảnh 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường.
Do quá tải, bệnh nhân phải nằm điều trị tại hành lang Bệnh viện Việt - Đức. Ảnh: Bá Hoạt |
Rơi khỏi giường bệnh do... nằm ghép
Tại nhiều BV, nhất là BV tuyến trung ương, cảnh chen chúc tại chỗ gửi xe, ở nơi lấy số đăng ký khám bệnh, ngồi chờ “dài cổ” để được gọi vào khám… không còn là điều lạ. Chừng ấy thôi cũng đủ khiến người bệnh thở không ra hơi. Và, nếu phải nằm viện điều trị, bệnh nhân đối diện với cảnh khổ hơn là phải chịu nằm ghép chật chội. So với thời điểm trước khi có “cuộc cách mạng” không để bệnh nhân nằm ghép - thông qua việc ký cam kết giảm tải, tình trạng quá tải BV không khá hơn là bao.
Chiều 16-9, tại Khoa Xạ 2 (BV K, cơ sở 1 tại Quán Sứ), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận tình trạng buồng bệnh chật hẹp, bức bí, những chiếc giường bệnh kê san sát và hầu như giường nào cũng có ít nhất 2 bệnh nhân. Một bệnh nhân nữ (hơn 50 tuổi, ở Nam Định), đã nhập viện được 3 ngày để điều trị ung thư cổ tử cung, kể rằng tại đây, 2-3 bệnh nhân chung một giường bệnh là thường tình. Đêm hôm trước, do phải nằm ghép, chật chội nên bệnh nhân này đã bị rơi xuống đất. “Người thì gầy gò, lại bệnh tật nên khi rơi xuống đất, toàn thân đau ê ẩm”, bệnh nhân than phiền.
Để đối phó với tình trạng nằm ghép, bệnh nhân có "sáng kiến" ghép 2 giường thành một để 4 người có thể nằm thoải mái hơn. Có người lại chọn cách trải chiếu nằm đất. Bà Trần Thị T. (62 tuổi ở Phú Thọ), đã điều trị được 1,5 tháng, cho biết: “Vào đây toàn là người bệnh nặng, lại phải nằm ghép, chật chội nên chỉ việc thở vào mặt nhau cũng đủ mệt. Nhiều người mua chiếu bên ngoài vào trải xuống đất hoặc nằm ở ghế ngoài hành lang cho thoáng. Nằm ở những chiếc ghế có chiều ngang chỉ khoảng 50cm thì nếu ngủ quên, việc rơi xuống đất là khó tránh khỏi. Thế nhưng, có hôm chậm chân thì đến ghế cũng không có".
Tương tự, tại Khoa Sản 1 và 2 (BV Phụ sản trung ương), ngay từ sảnh, lối vào, hành lang, đã thấy bệnh nhân và người nhà vạ vật đứng, ngồi. Phía trong, giường bệnh nào cũng “chứa” ít nhất hai sản phụ chờ sinh. Để khắc phục, BV phải bố trí một dãy giường bệnh dọc hành lang. Bà Nguyễn Thị Tý, mẹ chồng của một thai phụ ở Hà Nội than thở: “Con dâu tôi mang thai được 37 tuần thì phải nhập viện để theo dõi vì bị cạn nước ối. Con tôi vào viện gần một tuần và phải nằm ghép với một sản phụ khác. Dù nằm ngược đầu, chân nhưng một chiếc giường nhỏ “chứa” hai bà bầu, người nào cũng nặng nề, cồng kềnh, rất vất vả. Đó là lý do nhiều người chọn giải pháp nằm đất…”. Tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép cũng thường diễn ra tại Khoa Sản bệnh lý - nơi có 65 giường bệnh nhưng phải tiếp nhận điều trị nội trú cho trung bình 150 bệnh nhân, thậm chí lên tới hơn 200 bệnh nhân trong những ngày cao điểm.
Từ nhiều năm nay, do quá tải, số bệnh nhân điều trị nội trú luôn lớn hơn nhiều so với số giường thực kê tại một số khoa, phòng của BV Bạch Mai. Theo báo cáo của BV này, tại đây có 2.300 giường nhưng thường xuyên có 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú/ngày. Viện Tim mạch quốc gia của BV này có 278 giường nhưng có thời điểm phải phục vụ cùng lúc 525 bệnh nhân; Khoa Thần kinh có 200 giường nhưng có lúc phải lo chỗ nằm cho 264 bệnh nhân...
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, việc BV quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí nằm gầm giường, dưới sàn đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị, sức khỏe của người bệnh.
Không dám ký cam kết
Theo GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, tình trạng quá tải xảy ra không chỉ ở các BV tuyến trung ương, mà còn ở tuyến tỉnh. Thực tế cho thấy là công suất sử dụng giường bệnh ở nhiều nơi lên tới 120%, 150%. Dân số không ngừng gia tăng, bệnh tật diễn biến phức tạp, thậm chí xuất hiện những bệnh mới. Những bệnh trước kia ít gặp nay tăng mạnh, trong khi đó, số lượng BV, số giường bệnh tăng theo không kịp.
Tình trạng quá tải gây bức xúc, đặc biệt là trong những đợt nắng nóng kéo dài, dịch bệnh lan rộng. BV Đa khoa Xanh Pôn có quy mô 570 giường bệnh nhưng vào thời điểm thời tiết diễn biến bất thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 700-800 bệnh nhân nhập viện, trong đó có tới 180-200 bệnh nhi. Riêng Khoa Nhi tổng hợp có 45 giường bệnh, ngày cao điểm phải tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhi. Để tránh nằm ghép, những bệnh nhân ổn định sức khỏe được xuất viện để thu xếp chỗ cho bệnh nhân khác vào.
Một cán bộ của BV Mắt trung ương cho biết, ở những BV tuyến cuối rất khó tránh tình trạng người bệnh phải nằm ghép. Bệnh nhân ai cũng muốn chọn bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, vì vậy, ngay cả khi bệnh tuyến dưới có đủ khả năng chữa trị được thì họ vẫn đổ dồn lên tuyến trên. Còn BV tuyến trên không thể vì quá tải mà “đuổi”, không điều trị cho bệnh nhân được.
Trong năm 2015, hơn 10 BV đã ký cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép; tính đến thời điểm này, cả nước có gần 40 BV tuyến trên cam kết không để bệnh nhân nằm ghép sau 24 - 48 giờ. Tuy vậy, điều đáng nói là sau khi ký cam kết, nhiều BV đã phải loay hoay tìm mọi biện pháp để giảm tải nhưng bất thành. Trước áp lực quá tải, một số BV chỉ dám ký cam kết không để xảy ra tình trạng nằm ghép ở một số khoa, phòng hoặc các cơ sở mới xây. Thậm chí, một số BV lớn như Bạch Mai, BV K cơ sở I và Phụ sản trung ương… chưa dám ký cam kết - có lẽ bởi ý thức được rằng việc chống quá tải triệt để trong điều kiện cơ sở vật chất hiện có là bất khả thi.
Để giải bài toán quá tải, nhiều người chung quan điểm rằng trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế như hiện nay, việc ký cam kết không nằm ghép chỉ mang tính hình thức.
Sau nhiều cuộc họp và trực tiếp đi thị sát tại các BV tuyến trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh rằng, việc giảm tải BV để chăm sóc người bệnh được tốt hơn là ưu tiên số một. Tuy nhiên, trong vấn đề giảm tải, cái khó nhất là ở nước ta hiện nay, tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân mới đạt mức 25,5, trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, con số tối thiểu cần có phải là 39 giường/10.000 dân. Với số giường bệnh quá thấp như hiện nay, rất khó để chống quá tải một cách triệt để. |
(Còn nữa)