Văn Ngọc Tú và khát vọng chinh phục “đỉnh cao” ABG5
Thể thao - Ngày đăng : 07:23, 21/09/2016
Võ sĩ Văn Ngọc Tú. Ảnh: H.A |
- ABG5 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 24-9 đến 3-10. Sau khi trở về từ sàn đấu judo ở Olympic Rio 2016, Tú đã dồn sức tập luyện cho mục tiêu giành HCV hạng 48kg môn kurash ở ABG5?
- Kurash và judo có nhiều điểm khá giống nhau, cái khác chủ yếu chỉ là trong kurash không được sử dụng kỹ thuật đè như judo. Sau khi giành suất chính thức dự Olympic Rio 2016 và có được trận thắng đầu tiên ở môn judo tại Thế vận hội, Tú rất mong sẽ có thể giành HCV ABG5 ở môn kurash, vừa để góp phần vào một năm thi đấu thành công, vừa như một món quà đúng lúc dành tặng người ba thân yêu…
- Tú có thể chia sẻ rõ hơn?
- Môn kurash ở ABG5 thi đấu từ ngày 25 đến 27-9 tại Đà Nẵng. Tú thi đấu vào ngày 25-9, đúng 1 ngày trước ngày giỗ đầu của ba. Ba Tú bị ung thư, đã trải qua vài năm điều trị từ lúc phát hiện bệnh năm 2012 cho đến khi qua đời ngày 26-9-2015.
Mốc son trong sự nghiệp của võ sĩ Văn Ngọc Tú - Môn judo: 2 kỳ liên tiếp giành suất chính thức dự Olympic (London 2012 và Rio 2016); HCĐ judo Châu Á năm 2011; tham dự 6 kỳ SEA Games thì 5 kỳ giành HCV, 1 kỳ HCB. - Môn kurash: 3 HCV Châu Á. |
- Khoảng thời gian 1 năm qua hẳn không hề dễ dàng với Tú?
- Khi biết ba bị tái phát bệnh vì di căn năm 2015, Tú đang tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Cần Thơ. Thời gian đầu Tú nghỉ tập chăm sóc ba, sau đi lại giữa Cần Thơ và Sóc Trăng mỗi ngày. Ba là người rất gần gũi, luôn ủng hộ Tú trong sự nghiệp, nên khi ba qua đời, Tú rất khủng hoảng. Nhưng càng buồn thì mình càng phải cố gắng, để nơi xa xôi ba được yên lòng. Vả lại, Tú còn có trách nhiệm với gia đình. Mẹ Tú năm nay đã gần 60 tuổi vẫn phải buôn bán nhỏ làm trụ cột về kinh tế trong nhà, em trai sinh năm 1989 hiện chưa ổn định sự nghiệp.
- Với gánh nặng tuổi tác, Tú sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn mới có hy vọng giành HCV châu lục?
- Tính cả tuổi “mụ” thì Tú đã 30 tuổi, chắc chắn gặp nhiều khó khăn về sức khỏe, thể lực so với các võ sĩ trẻ. Hiện tại, dù chấn thương gối chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng Tú đã áp dụng những bài tập nhẹ, cẩn thận trong tập luyện, giữ sức để khi thi đấu đối kháng nhằm đạt được phong độ tốt nhất. Dẫu sao, Tú cũng đã có 14 năm thi đấu, tính cả thời gian đi tập ban đầu thì cũng có 19 năm gắn bó nghiệp võ, mình có thể biết những tư thế nào có thể nguy hiểm tới bản thân nên có thể hạn chế được. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai ABG, nên Tú rất quyết tâm giành được HCV ngay trên sân nhà. Tú từng giành 3 HCV Châu Á môn kurash nên rất có niềm tin có thể lập công lần thứ 4 .
- Đó là mục tiêu trước mắt, còn kế hoạch tương lai của Tú?
- Điều Tú mong nhất là có thể chăm sóc gia đình, í́t nhất là cho đến khi em trai có công việc ổn định. Tú đã hoà̀n thành chương trình đại học vào năm 2014, chuyên khoa huấn luyện thể thao, cũng là thành viên thuộc biên chế Quân đội Quân khu 9 Cần Thơ. Tú mong được là HLV chính, muốn phục vụ địa phương trong việc đào tạo lớp trẻ làm lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia.
- Xin cảm ơn và chúc Tú thi đấu thành công!