Không nương tay với tài xế "ma men"
Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 28/01/2023
Thói quen khó bỏ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, hầu hết những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt vì vi phạm quy định về nồng độ cồn đều viện lý do ngày Tết nhấp môi chút rượu, bia để mừng năm mới. Đơn cử, tài xế N.Đ.N (sinh năm 1975, ở Long Biên, Hà Nội) cho biết vừa kết thúc bữa tiệc chúc Tết với gia đình. Dù chỉ uống 2 ly rượu vang nhưng kết quả từ máy đo nồng độ cồn cho thấy người này có nồng độ cồn là 0,092mg/lít khí thở, đối diện với mức phạt 6-8 triệu đồng, bị tước bằng lái xe 10-12 tháng và tạm giữ ô tô 7 ngày.
Tương tự, tài xế B.T.H (sinh năm 1973, ở Gia Lâm, Hà Nội) cũng phải nhận mức phạt trên khi lái ô tô tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn là 0,066mg/lít khí thở. Tài xế H. cũng cho rằng "chỉ dùng một chút rượu trong bữa tiệc ngày Tết". Đáng chú ý, năm nay, nhiều lái xe là phụ nữ bị xử phạt vì vi phạm quy định về nồng độ. Đơn cử như nữ tài xế lái xe ô tô biểm kiểm soát 30F-467xx (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), khi bị kiểm tra vào ngày mùng 2 Tết có nồng độ cồn là 0,250mg/lít khí thở. Người phụ nữ này phân trần, đi chúc Tết, do nể nang mọi người mời nên có uống vài chén rượu...
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các tổ công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn của đơn vị và công an các quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra, xử lý tài xế "ma men" trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo số liệu thống kê, từ ngày 21-1 đến ngày 24-1-2023 (tức là từ 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão), Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 200 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 1,7 tỷ đồng, tạm giữ 200 phương tiện các loại. Trong đó có 92 ô tô, 100 mô tô và 8 phương tiện khác, tước 122 giấy phép lái xe các loại.
Trên phạm vi toàn quốc, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 20 đến 24-1), Cảnh sát giao thông các địa phương đã xử lý 5.171 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày, lực lượng chức năng xử lý hơn 1.000 tài xế uống rượu, bia...
Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm
Trung tá Đinh Ngọc Đạo, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tất cả những lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn dù ở mức cao hay thấp đều bị tạm giữ phương tiện và xử phạt nghiêm. “Trung bình một ngày trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Đội Cảnh sát giao thông số 1 xử lý từ 7 đến 10 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Vi phạm còn khá nhiều nên cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tác hại của rượu, bia tới từng công sở, gia đình”, Trung tá Đinh Ngọc Đạo nói.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì các tổ công tác kiểm tra vi phạm quy định về nồng độ cồn với mục tiêu hướng tới nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục cứ Tết là nâng ly chúc nhau và coi "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Để đón mùa xuân mới trọn vẹn, người dân không vì cả nể mà sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, dễ dẫn đến những vi phạm khác như phóng nhanh, vượt ẩu, va chạm, tai nạn…
Theo Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn là một trong các hoạt động trọng tâm của kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ duy trì, thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường, mọi khung giờ trong dịp Tết; kiên quyết xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng xin xỏ, can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm... Sau khi xử phạt, lực lượng chức năng sẽ thông báo về chính quyền địa phương, các cơ quan chủ quản để xử lý và báo cáo kết quả lại.
Thượng tá Phạm Quang Huy khuyến cáo, uống nhiều rượu, bia ảnh hưởng đến các kỹ năng vận động như phối hợp mắt, tay và chân. Người dân không nên lái xe sau khi uống rượu, bia để ngăn ngừa tai nạn giao thông. Cục Cảnh sát giao thông đã lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ xử lý nghiêm những tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là tại các khu đô thị, tuyến phố có nhiều nhà hàng, khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có nhiều công nhân… để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kéo giảm số vụ tai nạn giao thông.