“Làm sạch” môi trường kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:53, 21/09/2016
Công khai mức thuế, chống thất thu
Năm 2015, kết quả khảo sát về nguy cơ tham nhũng trong khu vực HKD tại Việt Nam, do Trung tâm Phát triển cộng đồng (CECODES) thực hiện cho thấy, có sự cấu kết giữa các HKD và cán bộ thuế, nhằm làm sai lệch số thuế phải nộp. Theo thống kê của Bộ Tài chính, nguồn thu từ khu vực HKD chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu thu ngân sách. Song việc xây dựng một quy trình quản lý thuế với khu vực HKD theo hướng công khai, minh bạch lại góp phần đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập sự công bằng giữa những người nộp thuế và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) dân doanh phát triển.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 92, sửa đổi một số nội dung về quản lý thuế. Theo đó, từ năm 2016, Ngành Thuế công khai thông tin hộ khoán để các cấp, ngành và nhân dân tham gia giám sát việc xác định doanh thu và mức thuế khoán của HKD. Cơ quan thuế cũng triển khai ủy nhiệm thu thuế hộ kinh doanh thông qua ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, các DN trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, điện lực... và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro với các HKD có quy mô lớn, sử dụng trên 10 lao động và có nhiều địa điểm kinh doanh. Tại Hà Nội, Chi cục Thuế Đống Đa, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì đã triển khai đề án ủy nhiệm thu thuế đối với HKD qua hệ thống của Tổng công ty Bưu điện, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Viễn thông Viettel. Kết quả giai đoạn đầu thí điểm cho thấy, số thu vượt trên 100% so với ghi thu, do bao gồm cả số thu nợ năm trước chuyển sang.
Ông Phạm Ngọc, chủ một hiệu kinh doanh thuốc tân dược tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận xét, trước đây, cơ quan thuế công khai mức thuế các hộ khoán tại trụ sở cơ quan thuế hoặc UBND phường, nhưng đa phần HKD rất ngại đến xem. Với những cải cách gần đây, bảng công khai thuế khoán của các HKD cùng ngành nghề và mức doanh thu đã được gửi tới tận tay các HKD, giúp HKD so sánh mức thuế phải nộp có công bằng, hợp lý hay không. Chị Phạm Thu Trang, kinh doanh kim khí tại quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, trước đây HKD chỉ biết số thuế phải nộp của cửa hàng mình nên không tránh khỏi những thắc mắc về mức đóng thuế giữa các HKD cùng khu vực, cùng ngành nghề, cùng quy mô. Đến nay, việc công khai mức thuế đến từng hộ sẽ tạo điều kiện cho người dân chủ động so sánh và đồng thuận khi nộp thuế.
Bảo đảm sự công bằng
Theo thống kê của Cục Thuế TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 148.000 HKD đang hoạt động, tổng số thuế thu từ khu vực này bình quân đạt 1.600 tỷ đồng/năm, chiếm 1,8% tổng thu ngân sách. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước (NSNN) còn nhiều khó khăn, có ý kiến cho rằng cần phải tăng thu thuế để bù đắp chi. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu không tăng thuế, mà phải tạo điều kiện cho DN phát triển, từ đó tăng thu cho NSNN. Như vậy, bên cạnh việc chống thất thu thuế, một nhiệm vụ quan trọng của Ngành Thuế là tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Theo ông Bùi Văn Nam, do việc điều tra, xác minh doanh thu của các HKD rất khó khăn, nên các chi cục thuế phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương; cán bộ thuế phải tuân thủ đúng quy trình quản lý thuế. Bên cạnh việc chống thất thu về doanh số, phải chống thất thu về số HKD. Các chi cục thuế phải nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo, tiến hành rà soát khu vực HKD nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch và công bằng giữa các hộ. Đồng thời, sẽ thanh tra, kiểm tra, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng những HKD chây ỳ nộp thuế. Đối với các đơn vị lớn, có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cục thuế các địa phương có thể nghiên cứu thí điểm kết nối qua mạng internet với cơ quan thuế để quản lý sát doanh thu từ hoạt động kinh doanh, tránh thất thu NSNN.