Hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:43, 22/09/2016
Gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc cũng là góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa thời hội nhập.Ảnh: Viết Thành |
Theo các chuyên gia, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) không chỉ góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Vấn đề đặt ra là thực hiện chiến lược này như thế nào để hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
Bộ phận cấu thành nền kinh tế
Từ năm 2009, khái niệm CNVH đã được Bộ VH-TT&DL bàn thảo. Nhiều ý kiến chung nhận định: Giá trị và tiềm năng lịch sử, văn hóa, du lịch ở nước ta mới được tiếp cận, khai thác theo cách thô sơ, lạc hậu, gây lãng phí. Nay, Chiến lược phát triển các ngành CNVH vừa được phê duyệt đã nhìn nhận các ngành CNVH là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được phát triển dựa trên sự sáng tạo, khoa học - công nghệ, bản quyền trí tuệ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình... vừa phù hợp với tình hình thực tế, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Ông Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhận định: "Việt Nam đã bắt đầu hình thành nền CNVH nhưng mới ở giai đoạn manh nha, chưa rõ nét, cho nên Chiến lược phát triển các ngành CNVH được ví như "con đường" để ngành công nghiệp này đi đúng hướng, tránh những rủi ro không đáng có".
Có thể dẫn ra vài ví dụ như thị trường âm nhạc phía Nam phát triển đã và đang mang lại nguồn thu không nhỏ. Những bộ phim đình đám thời gian qua cũng mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Một bộ phận công chúng sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để được thưởng thức các chương trình nghệ thuật hấp dẫn... Tất cả cho thấy, việc khai thác các giá trị văn hóa theo hướng công nghiệp, hiện đại là cần thiết. Nhìn rộng ra, Hàn Quốc được rất nhiều quốc gia biết đến thông qua việc xuất khẩu sản phẩm văn hóa như: Âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực...; hay phần lớn người dân Hồng Kông (Trung Quốc) có thu nhập cao từ các ngành CNVH...
Phát triển thế nào?
Khác với các ngành công nghiệp khác, ngoài lợi ích vật chất, CNVH còn tạo ra "sức mạnh mềm", tạo đà cho sự phát triển văn hóa, xã hội, con người trong thời kỳ mới. Hơn nữa, "nguyên liệu" đầu vào của CNVH chủ yếu là các giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng du lịch..., nên việc khai thác các giá trị này như thế nào cho đúng cũng là vấn đề cần quan tâm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong quá trình khai thác các giá trị văn hóa để phát triển CNVH, các ngành, đơn vị, địa phương không thể coi nhẹ công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa. "Nếu không bảo tồn được phố cổ Hội An, kinh thành Huế, không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., liệu những địa danh này có hấp dẫn du khách và mang lại lợi ích về nhiều mặt được không? Câu trả lời chắc chắn là không", bà Phạm Chi Lan khẳng định. Cũng theo chuyên gia này, chúng ta nên học hỏi cách làm của nhiều nước trên thế giới, nhất là kiên quyết thực hiện song song hai mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.
Ông Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thì đặt vấn đề: Bức tranh văn hóa Việt Nam rất đa dạng; có sự chênh lệch lớn về mức độ phát triển giữa các loại hình. Chẳng hạn, âm nhạc hiện đại nhận được sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ, nhưng âm nhạc truyền thống lại ít được giới trẻ quan tâm và ít nhiều đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì thế, các cơ quan, đơn vị chức năng khi xây dựng kế hoạch phát triển các ngành CNVH nên lưu ý đến đặc thù này.
Có thể nói muốn CNVH phát triển bắt buộc phải dựa vào 4 yếu tố cơ bản: Vốn văn hóa, tài năng sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, kỹ năng kinh doanh và công nghệ. Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ 4 yếu tố này. Cụ thể: "Các ngành CNVH của chúng ta mới thực hiện một hoặc hai yếu tố, mà chưa thực hiện được cả 4 yếu tố nói trên thành chuỗi liên hoàn, góp phần tạo nên sức mạnh tổng thể. Ví dụ, Ngành Mỹ thuật mới chú trọng đào tạo ra những họa sĩ vẽ tranh sao cho thật đẹp, thật sáng tạo nhưng chưa chú ý đến việc làm thế nào để đưa bức tranh đó ra thị trường, đáp ứng thị hiếu của công chúng. Lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, sân khấu... cũng chưa có công nghệ quảng bá sản phẩm phù hợp. Quan trọng hơn, chúng ta còn thiếu những không gian, môi trường sáng tạo tương tự như những công viên sáng tạo ở Hàn Quốc hay thung lũng Silicon (Mỹ)...", ông Bùi Hoài Sơn nhận định.
Nhiều ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng và tổ chức, cá nhân sớm xây dựng những không gian sáng tạo kết nối các nghệ sĩ, đồng thời giới thiệu, trưng bày các sản phẩm sáng tạo được công chúng quan tâm. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo chuyên ngành cũng nên chú trọng nhiều hơn đến việc đào tạo kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hóa cho sinh viên...
Rõ ràng, phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam là nhiệm vụ cần được thực hiện một cách bài bản, cẩn trọng, bền bỉ và tôn trọng các yếu tố khách quan.
Hà Nội sẽ trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa Theo Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam, các ngành CNVH bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa... Với những lợi thế sẵn có, Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sẽ được đầu tư để hình thành và phát triển thành các trung tâm CNVH. Mục tiêu đến năm 2020, ngành CNVH sẽ đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó Ngành Điện ảnh có doanh thu khoảng 150 triệu USD; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 80 triệu USD, Ngành Quảng cáo đạt 1.500 triệu USD; Ngành Du lịch - Văn hóa có doanh thu từ khách du lịch khoảng 18.000 - 19.000 triệu USD... Đến năm 2030, doanh thu của các ngành CNVH sẽ đóng góp khoảng 7% GDP. |