Xây, sửa nhà cho người có công: Vì sao khó thực hiện?

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 22/09/2016

(HNM) - Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ “Hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng về nhà ở”, Hà Nội có 9.916 hộ gia đình NCC thuộc đối tượng được hỗ trợ, trong đó 4.423 hộ cần xây mới, 5.493 hộ sửa chữa, tổng kinh phí cần hỗ trợ là 286,8 tỷ đồng.

Quận Hà Đông trao tặng nhà tình nghĩa cho người có công.


Sau 3 năm, Trung ương cấp về cho Hà Nội khoảng 15 tỷ đồng, toàn thành phố mới chỉ có 551 hộ nhận được tiền hỗ trợ. Vì sao việc triển khai chính sách an sinh nói trên thực hiện chậm là vấn đề được dư luận quan tâm?

Thủ tục đã xong, tiền hỗ trợ vẫn chưa về

Căn cứ Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 153 triển khai thực hiện xây, sửa nhà cho NCC. Theo đó, các đối tượng NCC thuộc diện được xây, sửa nhà sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo 2 mức: 40 triệu đồng/căn nhà xây mới và 20 triệu đồng/căn nhà sửa chữa. Kinh phí sẽ do Trung ương hỗ trợ 80%, 20% còn lại do thành phố đối ứng. Đây là chủ trương thiết thực, hợp lòng dân, được các địa phương nhanh chóng triển khai điều tra, lập hồ sơ trình lên cơ quan chức năng để hỗ trợ NCC xây, sửa nhà ở. Nhưng trong quá trình thực hiện lại gặp khó khăn, vướng mắc, khiến tiến độ thực hiện rất chậm.

Ông Hoàng Văn Hoàn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn huyện có 557 hộ cần xây, sửa với tổng số tiền là hơn 16 tỷ đồng. Năm 2014, huyện nhận được 600 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước và đã cấp cho 30 hộ để xây, sửa. Từ đó đến nay, các hộ còn lại dù đã hoàn thiện hồ sơ, nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Không riêng huyện Đông Anh, đây là khó khăn chung của hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Nghĩa phản ánh: Mọi thủ tục hồ sơ đều được cơ quan chức năng phối hợp rất nhịp nhàng, vào cuộc ngay sau khi có kế hoạch của thành phố. Tuy nhiên, mấu chốt dẫn đến việc chậm trễ là do vốn của Trung ương chưa cấp về. "Chỉ cần vốn cấp về là mọi việc sẽ được giải quyết theo đúng lộ trình đã đề ra” - ông Nguyễn Đình Nghĩa quả quyết.

Trong khi chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì nhà ở quá xuống cấp nên nhiều hộ không còn cách nào khác là vay mượn để sửa chữa. Mẹ liệt sĩ Phạm Thị Chương ở xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho biết: "Nhà tôi xây xong 3 năm mà chờ mãi chẳng thấy tiền hỗ trợ đâu, thành ra sống trong nhà mới mà không vui vì tiền vay làm nhà vẫn chưa trả được”. Xã Chuyên Mỹ có 37 hộ thuộc diện được thụ hưởng chính sách này với tổng số tiền Nhà nước sẽ hỗ trợ là 920 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới cấp 100 triệu đồng, xã đã phân bổ cho 4 hộ. Vì nhu cầu cấp thiết nên ngoài gia đình Mẹ liệt sĩ Phạm Thị Chương, 14 hộ khác đã vay tiền để sửa chữa nhà.

Cần cách làm linh hoạt

Trong cái khó, quận Hà Đông đã có cách làm linh hoạt để nhân dân được thụ hưởng chính sách. Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Nguyễn Hữu Tiến cho biết, trước tình trạng tiền hỗ trợ chậm, quận có chủ trương trích ngân sách và huy động xã hội hóa để hỗ trợ các hộ NCC xây, sửa nhà. Bằng cách làm này, từ năm 2013 đến nay có hơn 40/80 hộ xây, sửa nhà với số tiền hỗ trợ từ 40 đến 500 triệu đồng/hộ. "Hiện còn 37 hộ chưa xây, sửa được nhà bởi các lý do khách quan như, đất chưa có sổ đỏ, chưa được tuổi xây nhà… Khi nào các hộ sẵn sàng, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện việc xây, sửa nhà ở cho NCC” - ông Nguyễn Hữu Tiến cho biết.

Tuy nhiên, trường hợp “tự lực cánh sinh” để giải quyết vấn đề như quận Hà Đông không nhiều, bởi thực tế hầu hết các địa phương đều đã dừng lại chương trình này vì không có tiền. Theo ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội: Do khó khăn khách quan mang lại nên Trung ương chậm bố trí kinh phí, việc hỗ trợ không được như mong đợi. "Trước thực tế nhiều nhà xuống cấp, cần thiết phải xây lại, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ các địa phương hướng dẫn NCC làm thủ tục liên quan, kịp thời xây dựng và sẽ bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các hộ ngay khi Trung ương cấp kinh phí" - ông Trần Thanh Bình nói.

Theo thống kê mới nhất, đã có 1.073 hộ tự sửa chữa nhà ở, vẫn còn 8.871 hộ đề nghị thành phố hỗ trợ, trong đó có 4.038 hộ cần xây mới, 4.833 hộ cần sửa chữa với tổng kinh phí cần hỗ trợ là khoảng 258 tỷ đồng. Trước nhu cầu cấp thiết của các gia đình NCC, các ngành chức năng đã tham mưu, trình thành phố nhiều phương án để giải quyết bài toán này, trong đó có cả việc huy động nguồn xã hội hóa và ngân sách thành phố.

Thiết nghĩ, để góp phần khắc phục khó khăn về nhà ở cho NCC trong khi nguồn vốn trung ương chưa về kịp, các địa phương có thể tăng cường huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các nguồn vốn xã hội hóa như cách làm của quận Hà Đông để thực hiện chủ trương này. Mặt khác, các địa phương cần rà soát lại số hộ cần hỗ trợ cấp bách để ưu tiên giải quyết trước, nhất thiết không để NCC sống trong những ngôi nhà không bảo đảm chất lượng.

Hiền Phương