Bom thực phẩm nhiễm chì: Tù mù đóng phạt
Đời sống - Ngày đăng : 07:53, 22/09/2016
Việc thực thi xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn tù mù ẢNH: DIỆP ĐỨC MINH |
Đánh trống bỏ dùi
Tại diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở VN hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với dự án quản trị nhà nước tổ chức tại TP.HCM hôm qua, ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát công tác khắc phục hậu quả của các đơn vị đã sản xuất, bán sản phẩm nhiễm độc rất quan trọng.
Sau khi công bố mức xử phạt thì sao nữa? Việc thực thi trách nhiệm đóng phạt và khắc phục hậu quả của doanh nghiệp như thế nào? Lỗ hổng trong quản lý của chúng ta là tính công khai minh bạch TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế |
“Trước các lô hàng không đảm bảo chất lượng hoặc không an toàn cho sức khỏe người sử dụng, bằng quyền lực đã được quy định trong luật, các cơ quan này phải xử lý vi phạm bằng việc yêu cầu sửa sai lỗi (nếu lỗi nhẹ), tái chế, tiêu hủy hoàn toàn. Yêu cầu cơ sở vi phạm đó phải xác định được nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng trên và có hướng khắc phục, đền bù cho người tiêu dùng thế nào. Toàn bộ quá trình đó phải được nằm trong sự giám sát của cơ quan công quyền và công bố rộng rãi cho người dân biết. Nếu không thực hiện công tác sau khi phạt thì chúng ta mới làm tốt phần đầu, còn “đánh trống bỏ dùi” lắm”, ông Cương phân tích.
Tuy nhiên, thực tế không được như vậy. Lấy ví dụ liên quan đến việc sử dụng chất tạo nạc để tăng trọng cho heo nuôi vào tuần cuối trước khi xuất chuồng, sử dụng chất cấm vàng ô để nhuộm măng, dùng hàn the làm chả, phoóc môn trong bánh phở, chất tẩy làm trắng nội tạng, tẩy hàng ôi thiu... các cơ quan quản lý phát hiện xử phạt tại rất nhiều địa phương. Thế nhưng tình trạng này lặp lại thường xuyên. Lý do chính nhiều đại biểu tham dự tại diễn đàn lý giải do công tác kiểm soát của chúng ta còn mỏng, thiếu nhân lực. Cách đây vài năm, hàng loạt cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định cũng được công bố công khai nhưng sau đó việc thi hành xử phạt, khắc phục cải tiến quy trình sản xuất của nhà sản xuất thế nào dư luận hoàn toàn không được biết.
Hơn 2 tháng trước, tại TP.Huế, có 6 cơ sở làm nước uống đóng chai cũng bị xử phạt với hàng loạt vi phạm từ các tiêu chuẩn trong sản xuất, không vệ sinh, không có giấy phép. Thậm chí, cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn, doanh nghiệp (DN) thông báo ngưng sản xuất nhưng khi kiểm tra vẫn còn sản xuất rầm rộ. Hay liên quan đến nước uống đóng chai, vi phạm của Công ty URC được các cơ quan quản lý công bố sẽ xử phạt đến 5,8 tỉ đồng. Thế nhưng, xoay quanh việc DN đã nộp phạt hay chưa; công tác kiểm tra giám sát hoạt động của những DN vi phạm như thế nào đến nay hoàn toàn không có thông tin khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngờ bị “chìm xuồng”.
Xử rồi nhưng đóng phạt thế nào ?
Ông Đỗ Ngọc Chính nhận xét: Từ trước đến nay việc kiểm tra giám sát định kỳ hoạt động của các DN sản xuất đã được quy định nhưng có thực hiện hay không, kết quả kiểm tra như thế nào thì hầu hết không được công bố. Trong khi, người dân đóng thuế nuôi bộ máy quản lý nhà nước với mong muốn nhận được thông tin cảnh báo về những sản phẩm không an toàn thường xuyên hơn chứ không phải đến khi vi phạm mới biết. |
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đặt câu hỏi sau khi công bố mức xử phạt thì sao nữa? Việc thực thi trách nhiệm đóng phạt và khắc phục hậu quả của DN như thế nào? “Lỗ hổng trong quản lý của chúng ta là tính công khai minh bạch”, ông Phong nói. Ví dụ đến nay, URC đã đóng hết 5,8 tỉ đồng vào ngân sách chưa? Số tiền bồi thường đề xuất 3,9 tỉ đồng nộp cho ai, sử dụng thế nào sau đó? Những cam kết hứa hẹn sẽ khắc phục hậu quả, đền bù cho người dân thế nào? Các cơ quan quản lý đã làm việc với DN về vấn đề này chưa? Việc hậu kiểm sau vi phạm thế nào để tránh tái phạm?... Rất nhiều vấn đề cần được giám sát trong thời gian tới nữa và tất cả phải minh bạch nhưng lại tù mù không rõ.
Đáng nói là DN bán ra sản phẩm nhiễm độc, đã tiến hành thu hồi quy mô lớn nhưng lại không xin lỗi người dân và đề nghị mức đền bù cho người dân sớm hơn là điều quá vô lý. “Tại sao đến bây giờ không ai đứng ra chịu trách nhiệm vấn đề này và thẳng thắn đề nghị mức bồi thường hay yêu cầu kế hoạch khắc phục thế nào? Không chỉ kiểm soát việc thực thi quyết định xử phạt, mà công khai kiểm soát đầu vào và đầu ra sản phẩm sau đó bởi nguyên tắc đầu vào không tốt thì đầu ra không thể nào bảo đảm được. Thế nên, cơ quan chức năng cần phải làm tốt 2 khâu này, không thể giao về cho tự DN chịu trách nhiệm. Chỉ khi đó, chúng ta mới có sản phẩm sạch đúng nghĩa, an toàn cho người dùng được”, TS Nguyễn Minh Phong nói.
Nhiều chuyên gia thương mại cũng cho rằng việc các cơ quan quản lý im hơi lặng tiếng, không cập nhật tiến trình thực thi quyết định xử phạt là kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Điều này càng khiến người dân hoang mang.
Đại diện Văn phòng luật Kiến An tại TP.HCM cho rằng việc ra quyết định xử phạt là các cơ quan chức năng, nhưng nghiêm túc chấp hành đúng hay không là việc của DN. Vì vậy, nếu vụ việc không bị sức ép hoặc quyết định xử phạt đó khiến DN chưa đồng ý thì sẽ dễ bị kéo dài hoặc bị “chìm xuồng”. “Cần thiết có cơ chế giám sát việc xử phạt, nếu cần phải cưỡng chế thu hồi hoặc một biện pháp nào đó có tính răn đe hiệu quả hơn là chỉ những đợt kiểm tra, phạt rầm rộ rồi đâu lại vào đó”, vị này đề xuất.
Còn theo ông Đỗ Ngọc Chính, Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, trước mắt, căn cứ trên các quy định hiện hành, DN phải tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn và cần công bố rõ thông tin khắc phục, tình hình sản xuất như thế nào. Đối với các đơn vị có chức năng giám sát xử phạt về an toàn vệ sinh thực phẩm phải thực hiện nghiêm quy định kiểm tra giám sát định kỳ tại các cơ sở sản xuất. Bởi câu hỏi lớn nhất của người tiêu dùng là: Các DN sau khi vi phạm, liệu sản phẩm có an toàn hay không? Nên thay vì đợi đến khi có vi phạm xảy ra mới theo đuôi giải quyết, cần phải công bố thông tin định kỳ, thường xuyên hơn về hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm từ các cấp cũng như thông tin về sản phẩm của các đơn vị đã vi phạm. Sản phẩm đó sử dụng lại được chưa, DN đã chấp hành theo các quy định xử phạt và khắc phục sự cố như thế nào... để người tiêu dùng tự đánh giá, tự chọn cho mình sản phẩm phù hợp trên thị trường.