Nâng cao ý thức từ… phụ huynh

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:19, 22/09/2016

(HNM) - Năm học mới đã bắt đầu được hơn hai tuần, thế nhưng tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) tiếp tục diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường của Thủ đô. Các lỗi vi phạm chủ yếu là đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), đi xe gắn máy tới trường,



Học sinh dàn hàng ngang trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông).


Vi phạm tràn lan

6h30 sáng 21-9, có mặt tại cổng Trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông), phóng viên Hànộimới ghi nhận nhiều trường hợp học sinh đến trường trên xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH. Gần đến giờ vào lớp, học sinh đi hàng hai, hàng ba kín cả con ngõ vào trường. Nhiều học sinh dù được trang bị MBH nhưng treo trên xe, đầu trần phóng băng băng vào cổng trường, một số khác có đội mũ nhưng không cài quai. Qua quan sát, chúng tôi thấy một điểm trông giữ xe của học sinh bên ngoài cổng trường. Bãi có đủ loại xe, từ xe đạp đến xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy. Theo chủ bãi trông xe, giá được quy định 1.000 đồng cho xe đạp, 2.000 đồng xe đạp điện và 3.000 đồng xe máy. Hình ảnh đáng chú ý là trong hàng chục chiếc xe ở bãi có rất nhiều xe gắn máy trên 50 phân khối được học sinh gửi ở đây.

Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (phường Phú Lãm, quận Hà Đông), lượng học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện không nhiều bằng Trường THPT Quang Trung nhưng vẫn có tình trạng học sinh không đội MBH. Thầy giáo Nguyễn Văn Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo thừa nhận ý thức của nhiều học sinh chưa cao, dù được gia đình trang bị MBH nhưng các em chỉ sử dụng mang tính đối phó. “Các em treo mũ ở xe và chỉ sử dụng khi đi qua chốt công an hoặc đến cổng mới đội để được vào trường. Trường THPT Trần Hưng Đạo đã tổ chức ký cam kết với Công an quận Hà Đông đến từng lớp học về việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật bắt buộc đội MBH đối với người đi xe đạp điện, xe máy điện và các quy định khác của Luật GTĐB” - thầy Chính nói.

Khảo sát thêm một số cổng trường học ở khu vực nội thành như Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy), Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm)… chúng tôi ghi nhận số lượng học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện rất lớn và nhiều em không đội MBH khi ra khỏi cổng trường.

Chị Hương (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) chờ đón con ở cổng trường THCS Trưng Vương, chia sẻ: “Tôi rất ngại khi ra đường gặp phải các cháu đi xe đạp điện, xe máy phóng bạt mạng, thậm chí lạng lách trong khi đầu trần mà trên người vẫn mặc bộ đồng phục học sinh. Đội MBH khi tham gia giao thông là bắt buộc để tránh rủi ro cho bản thân và những người xung quanh nhưng có vẻ như quy định này đã bị các em xem nhẹ”.

Trách nhiệm không của riêng ai

Hà Nội hiện có hơn 2.500 trường học với hơn 1,6 triệu học sinh, trong đó số học sinh tuổi mẫu giáo và tiểu học phải có người thân đưa đón đến trường là trên 961.000 em. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tình trạng học sinh THCS, THPT tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH trên địa bàn thành phố đã giảm và xuất hiện một số mô hình làm tốt. Điển hình là Trường THPT Việt - Đức có gần 2.000 học sinh, trong đó khoảng 50% học sinh đi xe gắn máy (dưới 50 phân khối), xe đạp điện, xe máy điện đến trường. Năm học vừa qua nhà trường không có trường hợp học sinh vi phạm Luật GTĐB phải nhận thông báo về trường. Theo cô Trần Thị Quỳnh Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường đã duy trì hiệu quả các mô hình bảo đảm an toàn giao thông như câu lạc bộ tình nguyện, lớp trực tuần, ký cam kết giữa gia đình - học sinh - nhà trường… trên tinh thần “toàn trường giáo dục học sinh”. “Chúng tôi cũng phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và phường Trần Hưng Đạo cùng với Hội Cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông” - cô Hoa cho biết thêm.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) trong tháng 3 và tháng 4-2016 đã xử lý 89 học sinh vi phạm an toàn giao thông, lỗi chủ yếu là không đội MBH khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Trao đổi về vấn đề này, Trung úy Lương Đình Hải, Tổ trưởng tổ tuần tra thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 1 tại nút giao thông Hàng Bài - Tràng Tiền - khu vực tập trung nhiều trường học với số lượng học sinh đông cho biết, vào giờ cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông bố trí tại các chốt xung quanh các trường học để bảo đảm giao thông thông suốt, đồng thời nhắc nhở học sinh đội MBH, đi đúng làn đường, không đi hàng hai, hàng ba.

Theo Trung úy Lương Đình Hải, thời gian gần đây số học sinh, sinh viên không đội MBH khi đi xe đạp điện, xe máy điện đã giảm nhiều, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số em treo mũ ở xe nhưng không đội. “Ngoài biện pháp tuyên truyền, giải thích và nhắc nhở, chúng tôi cũng phạt răn đe với mức phạt đối với người đi xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH dưới 18 tuổi là 75.000 đồng, trên 18 tuổi là 150.000 đồng. Những trường hợp giấy tờ không đầy đủ sẽ tạm giữ xe và phát thông báo gửi nhà trường xem xét xử lý theo quy định”. Trung úy Lương Đình Hải cảnh báo, một số trường hợp học sinh vi phạm khi thấy lực lượng cảnh sát đã quay đầu hoặc không tuân thủ hiệu lệnh, điều này rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông cho chính bản thân và người xung quanh.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thu Hà, Phó phòng Công tác học sinh sinh viên (Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) cho biết, ngoài ý thức chưa đầy đủ của học sinh khi tham gia giao thông, khó khăn nhất vẫn là nhận thức, ý thức của phụ huynh khi nhiều bậc cha mẹ chở 3, chở 4 con, cháu đến trường mà không đội MBH với nhiều lý do như “vội”, “quên”, “không có chỗ treo”... “Phụ huynh không chấp hành luật, không làm gương sẽ dẫn đến hậu quả là con em họ cũng vi phạm” - bà Trần Thu Hà nhận định. Ngoài ra, sự vào cuộc của chính quyền địa phương để các quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em nói riêng và việc thực hiện văn hóa giao thông nói chung chưa đến các khu dân cư, tổ dân phố, đặc biệt là các địa bàn xa trung tâm.

Với thực tế nêu trên, giải pháp bền vững và hiệu quả nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cụ thể hóa vấn đề này, Sở Giáo dục - Đào tạo kiến nghị cần sản xuất các loại MBH bằng chất liệu bảo đảm bền về chất lượng, đẹp về hình thức và không quá nặng để phù hợp với trẻ em và học sinh trung học; các ngành Giao thông - Vận tải, Công an thành phố và chính quyền các địa phương cũng cần quản lý, kiểm tra sát sao các điểm trông, giữ xe, các quán internet gần trường học nhằm tránh hiện tượng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy tới trường, học sinh chơi game bỏ học… Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền sâu rộng trong khu dân cư, tổ dân phố để cha mẹ học sinh nắm vững các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trường học; thông báo công khai những hộ dân có người vi phạm Luật GTĐB trong cả người lớn và học sinh…

Chí Kiên