Xử lý nợ xây dựng cơ bản: Dứt điểm nợ cũ, tránh phát sinh nợ mới

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 22/09/2016

(HNM) - Hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn 5 huyện nợ xây dựng cơ bản (XDCB) hơn 600 tỷ đồng. Giải pháp được UBND TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương là sử dụng toàn bộ nguồn ngân sách để thanh toán nợ XDCB và chỉ khi nào xử lý xong nợ, còn vốn mới bố trí các dự án tiếp theo, tránh phát sinh nợ mới. Song, trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng thực hiện được.

Huyện Thường Tín đã xử lý hết nợ xây dựng cơ bản. Trong ảnh: Nâng cấp kênh mương thủy lợi tại huyện Thường Tín.


Chần chừ xây dựng phương án trả nợ

Sau giao kế hoạch đầu năm 2016, Hà Nội có 6 huyện (Thường Tín, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai) nợ XDCB hơn 689 tỷ đồng. Đến hết tháng 6-2016, duy nhất huyện Thường Tín xử lý hết nợ (hơn 47 tỷ đồng), 2 huyện Quốc Oai và Ứng Hòa xử lý giảm một phần nợ (36,13 tỷ đồng); còn lại 3 huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì chưa xử lý giảm nợ (Chương Mỹ nợ 100,965 tỷ đồng; Phú Xuyên nợ 113,867 tỷ đồng; Ba Vì nợ 79,742 tỷ đồng).

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Văn Khương, số nợ trên chủ yếu liên quan đến dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thuộc trách nhiệm cấp huyện, cấp xã; cấp thành phố chỉ nợ hơn 123 tỷ đồng thuộc 3 huyện Quốc Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Cuối tháng 8-2016, Sở đã có công văn gửi các huyện này yêu cầu báo cáo tình hình thanh toán nợ; xây dựng phương án khả thi để thực hiện trả nợ trong năm 2016 của tất cả các cấp ngân sách, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào có phản hồi.

Đợt giám sát về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 theo Nghị quyết HĐND thành phố vừa qua, các thành viên Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố cho rằng, không giải quyết nợ XDCB triệt để sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chương trình xây dựng NTM của thành phố. Bởi tháng 4-2016, theo chỉ đạo của trung ương, các địa phương phải xử lý nợ XDCB xong trong năm 2016, không để phát sinh nợ mới. Địa phương nào hết năm 2016 không xử lý xong thì xem xét lại việc công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Dù UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương sử dụng toàn bộ nguồn ngân sách thanh toán nợ XDCB và chỉ khi nào xử lý xong nợ, còn vốn mới bố trí các dự án tiếp theo, nhưng theo báo cáo của Sở Tài chính đến ngày 20-9 vẫn còn một số huyện chưa dành toàn bộ dự toán chi đầu tư năm 2016 để thanh toán nợ XDCB.

Xử lý nợ cũ đi đôi với ngăn ngừa nợ mới


Đành rằng, việc xử lý nợ XDCB không thể giải quyết ngay tức thì, nhưng không phải là quá khó. Đơn cử như huyện Thường Tín (trước đây nợ hơn 47 tỷ đồng) đã hoàn thành trả nợ nhờ quyết tâm của các xã và huyện. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, huyện kiên quyết chỉ đạo các xã tập trung thu ngân sách, tiết kiệm chi để bố trí vốn trả nợ XDCB; đồng thời tổ chức rà soát, bố trí nguồn vốn các dự án trọng tâm, trọng điểm để xây dựng nông thôn mới.

Hay huyện Mê Linh, dù gặp khó khăn về nguồn thu, nhưng Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Trọng cũng thông báo, huyện không có nợ đọng XDCB trước năm 2016. Hiện tại, huyện chỉ có nợ phát sinh năm 2016 gồm 18 dự án đường giao thông, thủy lợi nội đồng với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đất xen kẹt không phải GPMB để tạo nguồn cho các dự án trong chương trình NTM.

Từ thực tế trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho rằng, giải pháp xử lý nợ XDCB hiện nay chính là việc yêu cầu các huyện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố, sử dụng toàn bộ nguồn ngân sách về phân cấp cho đầu tư phát triển, nguồn thưởng vượt thu, vốn đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn hỗ trợ giao thông, thủy lợi sau dồn điền, đổi thửa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM… để thanh toán nợ XDCB. Chỉ khi nào xử lý xong nợ, còn vốn mới bố trí các dự án tiếp theo.

Ngoài giải pháp xử lý nợ XDCB nêu trên, việc cần làm là các sở, ngành chức năng của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư cần thực hiện đúng kế hoạch vốn được giao không làm phát sinh nợ XDCB. Bên cạnh đó, việc UBND thành phố chỉ phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách là giải pháp hạn chế nợ XDCB. 

Tuấn Việt