Luật không thể trái Hiến pháp

Pháp luật - Ngày đăng : 06:29, 23/09/2016

(HNM) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Trong đó, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức chỉ trong 3 lĩnh vực: Quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Điều đáng nói, căn cứ Hiến pháp năm 2013, đề xuất trên chưa phù hợp. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” (Điều 30); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự” (Điều 31). Như vậy, quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp nào.

Thực tế cũng cho thấy, ở các nước phát triển, trách nhiệm bồi thường được mở rộng dần dần, Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trên tinh thần này, một số luật hiện hành như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Tố cáo… cũng có quy định dẫn chiếu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về luật này. Do đó, Bộ Tư pháp cần đánh giá lại phạm vi trách nhiệm bồi thường, tránh tình trạng đề xuất cực đoan, nếu phạm vi bồi thường hẹp thì ảnh hưởng đến công dân, còn rộng quá thì chưa thể thực hiện ngay.

Bách Sen