Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria sụp đổ: Hy vọng hòa bình vụt tắt
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 23/09/2016
Thành phố Aleppo trở thành khu vực hoang tàn sau hơn 5 năm xung đột. |
Đỉnh điểm của những mâu thuẫn lần này bắt nguồn từ việc đoàn xe cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) và Hội Chữ thập đỏ Arab - Syria (SARC) bị trúng bom khi trên đường tới thị trấn Orum al-Kubra hôm 20-9 để phân phát hàng cứu trợ cho 78.000 người dân tại đây. Vụ tấn công khiến một nhân viên của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế và nhiều dân thường thiệt mạng, buộc LHQ phải tuyên bố tạm ngừng mọi hoạt động viện trợ nhân đạo ở Syria. Trong khi đó, Nga và Mỹ không ngừng đổ lỗi cho nhau bằng những ngôn từ cứng rắn. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, một máy bay không người lái Predator của Mỹ đã ở trong khu vực đoàn xe cứu trợ của LHQ bị tấn công và xuất hiện tại hiện trường vài phút trước khi sự cố xảy ra. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có những cáo buộc gay gắt về hậu quả cuộc tấn công quân đội Syria do Mỹ thực hiện và cho rằng đây là sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại cáo buộc các máy bay chiến đấu của Nga và quân đội Syria hoạt động tại các khu vực phía Bắc Syria hôm 19-9, thời điểm đoàn xe cứu trợ của LHQ bị không kích. Ngoại trưởng J.Kerry cũng yêu cầu Nga và Chính phủ Syria không triển khai các lực lượng không quân trên không phận những khu vực do phe đối lập kiểm soát nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị.
“Khẩu chiến” Nga - Mỹ không chỉ "đốt nóng" cuộc họp lần thứ hai trong vòng một tuần của Hội đồng Bảo an LHQ vì tình hình Syria mà còn có nguy cơ đẩy căng thẳng quốc tế leo thang khi tình trạng xung đột kéo dài hơn 5 năm qua tại nước này đang kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia liên quan. Theo nhận định của một số nhà phân tích, sở dĩ thỏa thuận ngừng bắn khó có thể kéo dài vì văn bản này chủ yếu vẫn xoay quanh một số vấn đề kỹ thuật như hoạt động cứu trợ, mục tiêu ngừng bắn trên thực địa mà chưa tìm ra tiếng nói đồng thuận về nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh của Syria hiện nay. Trên thực tế, để thống nhất lệnh ngừng bắn, Mỹ và Nga đều chủ ý né tránh những vấn đề khó khăn, trong đó có số phận của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng tới cuộc xung đột Syria. Cụ thể như Iran, quốc gia ủng hộ chế độ Al-Assad trong khi các cường quốc Hồi giáo dòng Sunni hỗ trợ phe đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng đang cử lực lượng tiến vào Syria, cũng có vai trò định hình cuộc chiến theo hướng trái với những ưu tiên của Nga và Mỹ.
Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, nhiều người cho rằng, đàm phán hòa bình tại Syria đã quay trở lại con số 0. Điều này sẽ khiến cuộc sống của người dân quốc gia Trung Đông tiếp tục mắc kẹt trong “địa ngục” chiến sự. Vì thế, phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, bi kịch Syria là nỗi hổ thẹn của cơ quan an ninh lớn nhất thế giới. Hơn 300.000 người Syria đã bị sát hại, nửa dân số của quốc gia này không còn nhà cửa và hầu hết hạ tầng cơ sở bị phá hủy. Ông Ban Ki-moon hối thúc Nga và Mỹ khôi phục lệnh ngừng bắn tại Syria vì đây là bước đi đầu tiên để chấm dứt tình trạng “nồi da nấu thịt” tại đất nước này.
Dư luận quốc tế kỳ vọng vào một giải pháp sẽ được đưa ra trong cuộc họp Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) bên lề hội nghị thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại LHQ đang diễn ra tại Mỹ. Tuy nhiên, những thỏa thuận nếu có thể đạt được tại thời điểm này cũng khó có thể là “chìa khóa” mở ra cánh cửa cho tương lai Syria trong ngắn hạn.