Sai lầm chết người, bà Clinton "mang dao đi đấu súng"

Thế giới - Ngày đăng : 10:40, 23/09/2016

Khi ông Trump thổi bùng cảm xúc của cử tri để giành lấy lá phiếu của họ, ứng cử viên đảng Dân chủ vẫn bình thản rao giảng đạo lý đúng sai. Đó có thể là sai lầm chết người mà cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng phạm phải.


Theo ông John McTernan, người từng viết diễn văn cho cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và là giám đốc truyền thông của cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard, chiến lược đó của bà Clinton không khác gì việc mang dao tới một trận đấu súng và đó là sai lầm.

Chính trị là một môn thể thao va chạm và các cuộc bầu cử đều rất tàn khốc. Để trở thành người cuối cùng giương cao quyền lực, ít nhất một ứng cử viên phải chiến đấu đủ hăng và đủ mạnh như đối thủ. Bởi nếu một ứng cử viên không thể chiến đấu quyết liệt để giành giật công việc tổng thống thì người này cũng không thể chiến đấu hết sức vì công việc của cử tri.

Bà Clinton cần quyết liệt hơn trong chiến dịch. Ảnh: EPA/TTXVN


Theo nhận xét của ông McTernan, cho đến nay, mọi sai trái hay lời sỉ nhục phát ra từ phía ông Trump đều được chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton đáp lại bằng những tuyên bố vạch ra kế hoạch chi tiết, và dựa trên các cứ liệu để cho thấy với văn phòng của Tổng thống Mỹ, ông Trump là ứng cử viên kém phù hợp hơn. Nhưng theo ông McTernan, chiến dịch vận động tranh cử tổng thống không phải là một hội thảo học thuật, lại càng không phải là một trận đấu để đội có bản kế hoạch 10 điểm giành chiến thắng với tỉ số cách biệt 10 - 0 trước đội không có kế hoạch nào. Trong cuộc đấu chính trị này, ông McTernan kết luận, chính cảm xúc của cử tri chứ không phải sự kiên nhẫn thu thập dữ liệu làm cơ sở cho các phát ngôn, sẽ là nhân tố làm nên đại sự.

Bài học đó có thể rút ra từ thất bại của cựu Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc trưng cầu dân ý đi hay ở lại Liên minh châu Âu của người Anh. Lý lẽ lặng im đã không thể giành chiến thắng. Thông tin và bằng chứng chứng minh người nhập cư mang lại lợi ích cho nền kinh tế và mọi người được hưởng lợi từ toàn cầu hóa là không đủ, thậm chí chưa gần đến ngưỡng vừa đủ. Cảm xúc của những những người muốn ra đi đã áp đảo lí lẽ và lập luận lý trí của phe ở lại.

Tương tự như vậy trong câu chuyện tranh cử ở nước Mỹ, ông Trump có hàng ngàn những điểm không: không đáng tin với vũ khí hạt nhân, không sát cánh cùng đồng minh châu Âu chống Tổng thống Nga Vladimir Putin, không phù hợp và không nhiều thứ khác. Nhưng ông Trump lại có một điểm có: Có khả năng khơi gợi góc "đen tối" nhất và những suy nghĩ nguy hiểm nhất của cử tri. Với một ứng cử viên thông thường, đó là điểm yếu. Song với ông Trump, đó lại là sức mạnh.

Khi nổi đóa, ứng cử viên của đảng Cộng hòa biết rõ ông đang làm gì: Khuấy đảo sự tức giận để thứ năng lượng đó tiếp liệu cho chiến dịch tranh cử của mình. Đó có thể là cơn giận của giới tinh hoa, cơn giận ở những người “khác”, cơn giận ở số 1% giàu có. Dù mục tiêu ông Trump hướng đến có là ai thì mục đích cũng chỉ có một: tạo ra cơn giận trong cử tri để họ đi đến một lựa chọn duy nhất - bỏ phiếu cho Trump.

Chiến dịch của bà Clinton đánh trả bằng cách chỉ ra những nguy cơ ông Trump có thể mang lại với nước Mỹ và với thế giới. Nhưng cách làm nhẹ tay của họ tạo nên vấn đề trong một cuộc đối đầu quyết liệt hơn thế. Ông Trump giành được sự ủng hộ của cử tri bằng sự tức giận và bà Clinton cũng cần phải làm điều đó, ít nhất bằng cách thể hiện sự tức giận của chính mình.

Với bà Hillary Clinton, rủi ro đã chạm ngưỡng cao và không thể cao hơn nữa khi lịch sử đã an bài để một ứng cử viên đủ tiêu chuẩn nhất từng xuất hiện trong một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối đầu với một ứng cử viên là một người nổi tiếng, ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế. Nếu không bắt đầu nhằm đánh trực tiếp vào ông Trump, bà Clinton có thể sẽ phải dành cả phần đời còn lại để hối tiếc vì chiến dịch của bà đã không tung ra những đòn đánh đủ mạnh và đủ hay để giành chiến thắng. 

Theo Tin tức/CNN