“Gia đình hiến máu” ở La Phù
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 23/09/2016
"Ham" hiến máu
Đi qua những con ngõ ngoằn ngoèo thuộc xã La Phù, hỏi thăm nhà ông Ngô Văn Như, người thôn Thống Nhất bảo: “Cứ đi hết ngõ này, rồi hỏi thăm thêm, họ chỉ cho. Ở xã này, không ai không biết ông Như”.
Ông Ngô Văn Như (giữa) nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. |
Đón chúng tôi ở trước cổng gỗ ngả màu thời gian là một người đàn ông có nụ cười hiền lành, tóc đã bạc gần hết. Dù đã được hẹn trước nhưng ông vẫn ngần ngại khi nói về mình. Ông tâm sự: “Gia đình tôi là gia đình phật tử. Tôi được nghe các sư thầy giảng đạo rất nhiều. Các thầy khuyên con người nên làm điều phúc đức, cúng dường, giúp ích cho thiên hạ. Tôi không có tiền bạc nhưng có sức khỏe, có thể hiến máu nên đi thôi, chứ chẳng có lý do gì to tát cả”.
Gần chục năm trước, hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn còn xa lạ với những người dân La Phù. Họ lo lắng mất máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên hầu hết đều dè dặt. Ông Như tham gia hiến máu lần đầu vào năm 2008. Nhớ lại, ông bảo bỡ ngỡ, lo lắng và hồi hộp lắm. Thấy nhiều người nói đi hiến máu về sẽ bị ngất nên ông cũng hơi... run. Ông Ngô Văn Như kể: “Khi tôi nói có ý định đi hiến máu, người trong thôn ai cũng gàn. Họ khuyên tôi kiểu như “một giọt máu bằng 6 bát cơm, ăn bao giờ cho lại được mà hiến". Có người còn bảo, đi bán máu được cả đống tiền, ai lại đi cho không bao giờ. Nhưng tôi đã xác định là hiến máu cứu người rồi, nên ai nói gì cũng không quan tâm”.
Dù vậy, đợt đầu, ông cũng chỉ dám hiến 250ml máu vì sợ sức khỏe không đảm bảo. Không thấy mệt mỏi hay khó chịu gì như mọi người đồn đoán, các lần sau đó, ông hiến 350ml. Mỗi dịp đi hiến máu, được nghe tuyên truyền về lợi ích của việc làm nghĩa cử này, hiểu hơn ông càng nhiệt tình hơn. Cứ 3 tháng, nghe trên đài có thông báo địa điểm hiến máu, ông lại “phi” xe máy đến. Hầu hết các điểm hiến máu nhân đạo tại Hà Nội đều có dấu chân ông Như. Ông bảo, hiến máu đều đặn, ông thấy người khỏe khoắn, tay chân hoạt bát, nhanh nhẹn hơn hẳn.
Tham gia các đợt hiến máu đa phần là thanh niên, duy chỉ có mình ông lớn tuổi nhất. Hiến máu đến lần thứ 6 thì ông đã trở thành cái tên quen thuộc với những cán bộ, nhân viên Hội Chữ thập đỏ. Các bạn trẻ trong Hội Hiến máu tình nguyện ai cũng quen ông, họ chào hỏi nhiệt tình và gọi vui ông là “thanh niên Như”. Các cán bộ Hội Chữ thập đỏ cũng chia sẻ với ông nhiều thông tin để nhân rộng việc hiến máu tình nguyện, động viên mọi người cùng tham gia.
Mong muốn đóng góp nhiều hơn
Bắt đầu từ đó, ông Như không chỉ đi hiến máu một mình, ông còn động viên người thân góp sức vào hoạt động ý nghĩa này. Mỗi ngày một chút, trong bữa cơm, trong mỗi lần gặp gỡ anh em, bạn bè, ông lại nói về lợi ích của việc hiến máu. “Mưa dầm thấm lâu”, vợ ông, các con trai, con gái và con rể đều theo ông đi hiến máu.
Một buổi hiến máu tình nguyện do Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tổ chức. |
Trong suốt nhiều năm qua, hiến máu đã trở thành... phong trào trong gia đình, họ hàng của người đàn ông 56 tuổi này. Vợ ông Như có tới 7 lần hiến máu. Con trai ông tham gia 10 lần. Con gái, con rể, anh em họ của ông cũng có nhiều lần tình nguyện hiến máu. Mỗi lần có đợt vận động người dân tình nguyện hiến máu, cả nhà ông Như giống như... có hội. Mọi người tụ tập đông đủ, sắp xếp xe đèo nhau đi... cho vui!
Có lần, ông Như nhận tin có đợt hiến máu ở cổng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), vì không biết đường nên ông lại đến Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Biết nhầm, ông lại hỏi thăm đến bằng được chỗ hiến máu để được làm từ thiện.
Ông bảo: “Thường thì cả hai vợ chồng tôi cùng đi hiến máu với nhau. Huyết áp của bà nhà tôi không ổn lắm, nên có hôm hai vợ chồng đèo nhau đi. Chỉ tôi đủ điều kiện hiến, còn bà ấy thì đành phải ngồi đợi. Các bác sĩ nói 60 tuổi là tôi không được hiến máu nữa, nhưng tôi quyết tâm rồi, tôi sẽ hiến cho đến khi nào bác sĩ từ chối không nhận máu của tôi nữa thì mới thôi”.
Là Trưởng thôn Thống Nhất, ông Ngô Văn Như không chỉ động viên vợ con, anh em họ hàng, mà bà con lối xóm cũng bị cuốn theo sự nhiệt tình của ông. Mỗi lần có cơ hội, ông lại truyền đạt thông điệp, thuyết phục mọi người tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Nói về ông Ngô Văn Như, ông Tạ Công Huy, người dân xã La Phù kể: “Ông Như là một người tử tế, chân thành và tốt tính. Ông ấy luôn tích cực với các hoạt động của thôn, của xã. Ông ấy cũng thường xuyên động viên, kêu gọi chúng tôi tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Nhờ có ông ấy, chúng tôi cũng hiểu rằng hiến máu không chỉ giúp ích cho người khác mà cũng tốt cho bản thân mình nữa”.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã La Phù nhận xét: “Ông Như tham gia hiến máu từ khi tôi còn chưa làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông rất nhiệt tình trong hoạt động hiến máu tình nguyện, tích cực kêu gọi bà con trong xã tham gia. Ông cũng là người rất chân thành, hiền hậu”.
Hôm chúng tôi gặp ông Như, ông bảo vừa thôi chức trưởng thôn được 4 ngày. Mong muốn của ông là được đến những điểm cần máu khẩn cấp để hiến, nhưng vì còn bận công việc ở địa phương nên chưa thực hiện được. “Việc thôn, việc xã nhiều, cứ quấn lấy suốt ngày. Bây giờ nghỉ làm trưởng thôn rồi, tôi hy vọng sẽ có thể đóng góp cho hoạt động hiến máu nhân đạo nhiều hơn nữa”.
Với những nỗ lực trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tháng 6 vừa qua, ông Ngô Văn Như được vinh danh trong lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2016, được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Ông tâm sự rất giản dị: “Được nhận Bằng khen tôi xúc động lắm, nhưng quả thực so với mọi người, tôi chưa đóng góp được bao nhiêu”.